Multimedia Đọc Báo in

Đâu rồi chữ "Tâm"

16:22, 22/06/2014
Hôm rồi, tôi có anh bạn ở huyện gọi điện thoại lên phàn nàn: “Sao dạo này nhà báo nhiều thế? Nhà báo có quyền đi bới móc chuyện riêng của gia đình người khác không? Đã vậy, nhà báo còn gợi ý xin tiền của dân nữa thì cái tâm ở đâu?...”(!?).
 
Và câu chuyện của anh kể sau đó đã không khiến tôi bất ngờ, nhưng lại có cảm giác như nghề nghiệp của mình đang bị “xúc phạm” bởi những “con sâu” mang danh “Nhà báo”... Chuyện là: Nhà anh cùng với gia đình một người khác xảy ra một chuyện buồn đáng tiếc nhưng không liên quan gì đến pháp luật. Hai gia đình cũng đã nói chuyện thông cảm với nhau mà không có khiếu kiện gì. Thế nhưng không hiểu nguồn tin từ đâu, bỗng dưng có hai người tự xưng là nhà báo thường trú tại Dak Lak đến “làm việc”, yêu cầu cung cấp thông tin để… viết bài. Vì không muốn sự việc “rùm beng” lên báo nên gia đình anh bạn tôi giải thích “đây là việc riêng của gia đình”, thậm chí còn hết lời năn nỉ hai nhà báo nọ. “Cuối cùng, nhà báo ấy hẹn tôi ra quán cà phê nói chuyện để… thỏa thuận!” – anh bạn tôi bức xúc.

Thực ra, đây không phải lần đầu tiên tôi nghe đến việc nhà báo (hoặc là giả danh nhà báo) kiếm cớ đi vòi vĩnh, “xin đểu”. Cách đây không lâu, trong một chuyến công tác tại huyện K., vô tình tôi cũng gặp được một “nạn nhân” tương tự. Gia đình chị là bị hại trong một vụ liên quan đến pháp luật. Vì không thỏa mãn với cách giải quyết của chính quyền địa phương nên chị có đơn gửi đến một số cơ quan báo chí “cầu cứu”. Chị kể: Hôm ấy có người tên H., xưng là phóng viên của báo điện tử N. đến làm việc. Sau khi đã nắm bắt đầy đủ hồ sơ vụ việc, phóng viên H. thẳng thắn đề nghị gia đình cho xin tiền bồi dưỡng và tiền xăng xe(!) Kết quả là nhà báo ấy “vù” luôn cùng với tiền bồi dưỡng mà không thấy bài viết đâu, còn vụ việc của gia đình chị thì vẫn còn dang dở…

Không chỉ vòi vĩnh những người “yếu thế” đang cần sự giúp đỡ của báo chí, một số phóng viên còn “đặt vấn đề” thẳng với những người “không cần nhà báo quan tâm”. Đó là trường hợp xảy ra đối với ông Ama Ben, một tỷ phú người dân tộc Ê đê ở xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ. Cách đây mấy năm, khi biết ông là điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương, tôi tìm về gặp ông để viết bài. Thật bất ngờ khi ông từ chối thẳng thừng: “Tôi không cần nhà báo quan tâm!”. Hỏi ra mới biết, cách đó không lâu có mấy nhà báo từ TP. Hồ Chí Minh lên gặp ông để viết bài về gương sản xuất giỏi. Sau khi hỏi chuyện, quay phim, chụp ảnh xong, những người này đề nghị ông hỗ trợ vài chục triệu đồng để… in báo(!?). Ama Ben bức xúc: “Từ đó mình sợ nhà báo lắm. Ai tới hỏi mình cũng từ chối hết, hoặc là trốn luôn cho khỏe”.

Tại sao người dân lại sợ nhà báo? - những người đang mang trong mình trọng trách phản ánh sự thật, những người luôn sục sôi trong mình ý chí đấu tranh loại bỏ cái ác, cái xấu bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cái đúng, góp phần bảo đảm công bằng xã hội. Theo tôi, chỉ có một câu trả lời duy nhất, đó chính là câu hỏi của anh bạn tôi rằng: “Cái tâm ở đâu?”! Chỉ có những nhà báo vô cảm, thiếu lương tâm và không có trách nhiệm mới sẵn sàng đánh đổi niềm tin của người dân vì tư lợi cho bản thân. Đương nhiên, những nhà báo làm cho dân “sợ” là số ít, là những “con sâu làm rầu nồi canh” so với phần lớn những nhà báo đang ngày đêm dấn thân đóng góp và đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, của xã hội.

“Cái tâm ở đâu?”, trăn trở về câu hỏi của anh bạn, tôi lại nhớ đến bài học vỡ lòng trước khi bước vào nghề báo về ba chữ TÂM – TẦM – TÀI. Với nghề báo, hãy mang theo chữ TÂM trên mọi bước đường tác nghiệp, và cũng hãy để chữ TÂM soi rọi theo từng chữ, từng câu, từng tác phẩm của mình. Những nhà báo chân chính, có trách nhiệm luôn đặt chữ TÂM đứng trước chữ TẦM và chữ TÀI. Được như vậy, chắc chắn nhà báo sẽ không còn bị người dân “sợ” nữa, mà ngược lại, nhà báo sẽ là chỗ dựa vững chắc để người dân gửi gắm niềm tin!        

Hoàng Minh 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.