Multimedia Đọc Báo in

Phát huy sức mạnh toàn dân tham gia bảo vệ biên giới

08:14, 13/04/2021

Tỉnh Đắk Lắk có đường biên giới dài khoảng 73 km (vừa trên sông suối, vừa trên đất liền) tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri (Campuchia).

Trên đoạn biên giới này, hai quốc gia đã hoàn thành cắm 7 vị trí mốc với 11 cột mốc chính và 42 vị trí mốc với 84 cột mốc phụ. Tuy nhiên, công tác phân giới mới đạt khoảng 53% (38,828 km) chủ yếu là đường biên giới trên sông suối; còn lại đường biên giới trên đất liền chưa được phân giới. Đối với những đoạn chưa được phân giới này, dấu hiệu đường biên giới chưa rõ ràng, tình trạng vi phạm pháp luật, vô ý vượt biên trái phép vẫn còn diễn ra.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ biên giới

Trước tình hình đó, cùng với các lực lượng, ban ngành, cấp ủy chính quyền địa phương, thời gian qua Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp, chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới. Đặc biệt, quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với nhân dân và các lực lượng tổ chức tuần tra bảo vệ biên giới.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với nhân dân và các lực lượng tổ chức tuần tra bảo vệ biên giới.
“Luôn đồng hành, sát cánh cùng với BĐBP có sự đóng góp quan trọng của đồng bào các dân tộc khu vực biên giới, đặc biệt là các già làng, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc. Đó là những “cánh tay nối dài”, những “cột mốc sống” cùng tham gia bảo vệ từng tấc đất, từng đoạn đường biên, từng cột mốc biên giới quốc gia”.
 Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh

Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết: Khu vực biên giới của tỉnh gồm 4 xã, với 51 thôn, buôn thuộc hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp, với hơn 22.000 nhân khẩu thuộc 26 dân tộc anh em. Từ năm 2015 đến nay, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, các đơn vị trong BĐBP tỉnh đã tổ chức trên 2.500 buổi tuyên truyền với 163.988 lượt người dân tham gia; tổ chức hàng nghìn lượt phổ biến, giáo dục, tìm hiểu về biên giới, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, với các hoạt động như tổ chức cho nhân dân, đoàn viên thanh niên tham quan đường biên, cột mốc; giới thiệu về chủ quyền lãnh thổ; tổ chức kết nạp 102 đoàn viên mới trực tiếp tại các cột mốc biên giới...

“Mưa dầm thấm lâu”, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục của BĐBP đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của nhân dân, nhiều tập thể, cá nhân tự nguyện đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc, đặc biệt là những hộ dân gần với đường biên giới. Đồng thời, nhân dân còn tự nguyện đăng ký tham gia đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn sinh sống. Hiện nay, trên địa bàn 4 xã biên giới của tỉnh đã có 14 tập thể, 350 hộ và 1.350 cá nhân đăng ký tham gia tự quản 13,483 km đường biên giới; 12 tập thể, 132 hộ, 209 cá nhân đăng ký tham gia tự quản 3 cột mốc biên giới. Trong đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội, có 23 tập thể, 421 hộ, 3.290 cá nhân tại 51 thôn, buôn biên giới tự nguyện ký cam kết tham gia đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn.

Chung sức bảo vệ biên giới

Nhiều mô hình, tổ tự quản, câu lạc bộ được hình thành nhằm đồng hành với BĐBP trong nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, địa bàn như: thành lập 51 tổ tự quản an ninh trật tự thôn, buôn với 308 thành viên; 4 câu lạc bộ “Gia đình phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới”; 2 câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia phòng, chống vượt biên” và 2 mô hình “Thanh niên không vi phạm pháp luật”.

Lễ kết nạp đoàn viên mới tại cột mốc số 41.
Lễ kết nạp đoàn viên mới tại cột mốc số 41.

Tiêu biểu trong đó có thể kể đến Câu lạc bộ “Gia đình phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới” tại thôn 3, xã Ia R’vê (huyện Ea Súp) được thành lập năm 2016. Từ một số ít hội viên phụ nữ tham gia ban đầu, đến nay câu lạc bộ đã có 100% hội viên phụ nữ trong thôn đều tham gia; trở thành “sân chơi” bổ ích cho chị em vừa đoàn kết bảo vệ biên giới, vừa giao lưu, trao đổi các kinh nghiệm hay trong sản xuất, nuôi dạy con cái. Câu lạc bộ đã đưa ra quy chế hoạt động và xác định 15 tiêu chí mà các hội viên phải chấp hành, nổi bật như: các hội viên và gia đình hội viên không được vi phạm quy chế biên giới, không được chặt phá rừng, không tham gia mua bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới, không buôn bán, vận chuyển ma túy... Hằng tháng, câu lạc bộ sẽ cử đại diện các hội viên tham gia cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia R’vê tổ chức tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc giới. Đến nay, mô hình câu lạc bộ đã được nhân rộng sang địa bàn các thôn 4, 5 và 6 của xã Ia R’vê.

Bên cạnh đó, từ năm 2015 đến nay, quần chúng nhân dân và các lực lượng đã tham gia cùng với cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh tổ chức 336 lần tuần tra bảo vệ biên giới với 1.172 lượt người tham gia; tổng dọn vệ sinh, phát quang các vị trí mốc quốc giới, đường tuần tra biên giới được 16,4 km. Đồng thời, nhân dân còn tích cực tham gia tố giác và cung cấp nhiều tin tức quan trọng giúp BĐBP phát hiện và xử lý nhiều vụ việc. Tính riêng năm 2020, từ nguồn tin của quần chúng nhân dân, BĐBP tỉnh đã phát hiện và xử lý 66 vụ/106 đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật; vận động thu hồi 70 khẩu súng các loại, 46 viên đạn và nhiều vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép khác...            

Ngọc Lân


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.