80 ngày kiên quyết, khôn khéo bảo toàn Thủ đô
Theo Hiệp định Geneve (ngày 21/7/1954), Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của quân Pháp sau đó chuyển giao khu vực để nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản. 80 ngày ấy là khoảng thời gian đấu trí căng thẳng, khôn khéo của ta để bảo toàn thủ đô trước sự phá hoại của thực dân Pháp…
Lợi dụng thời gian 80 ngày này, Pháp mưu đồ phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa, lôi kéo người di cư vào Nam, gây rối loạn và làm cho mọi công việc bị đình trệ, gây nhiều khó khăn cho quân, dân miền Bắc trong quá trình tiếp quản và củng cố chính quyền nhân dân ở Thủ đô với âm mưu “trao lại cho ta một thành phố trống rỗng, một thành phố chết…”.
Ngày 22/8/1954, Pháp yêu cầu bắt buộc tất cả các công chức, kỹ sư kỹ thuật, bác sĩ, các nhà buôn lớn phải di cư vào Nam. Trong tháng 8 và 9/1954, các cơ quan dưới sự kiểm soát của Pháp ở Hà Nội phải chuyển về Hải Phòng để xuống tàu vào miền Nam như Sở Hành chính Bắc Việt, Sở Kho bạc, Sở Quản thủ điền thổ, Thị chính Hà Nội, Đài phát thanh… Pháp còn ra lệnh gỡ bỏ, di chuyển máy móc ở các nhà máy, xí nghiệp, trang thiết bị, thuốc men trong các bệnh viện; đốt hoặc mang đi hầu hết hồ sơ, giấy tờ văn bản.
Ngoài ra, được Mỹ tham mưu, cố vấn, Pháp còn gài lại nhiều gián điệp để thực hiện kế hoạch hậu chiến. Sau tiếp quản, Hà Nội vẫn còn 23 đảng phái hoạt động lớn nhỏ khác nhau như Việt Nam Quốc dân đảng, Đại Việt Quốc dân đảng, Việt Nam Phục quốc đảng, Đại Việt duy tân… Các tổ chức này tuyên truyền xuyên tạc chính sách của Chính phủ, kêu gọi nhân dân vào miền Nam, tìm cách phá hoại hiệp thương tổng tuyển cử.
Nhận rõ âm mưu của Pháp, ý thức quy mô và tầm quan trọng của việc tiếp quản Hà Nội, từ ngày 15 đến 20/9/1954, tại Phủ Lỗ, Sóc Sơn (Hà Nội), Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng đã họp bàn và đi đến thống nhất cử các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Nguyễn Trọng Nhâm (Xuân Thủy), Nguyễn Kim Thành (Tố Hữu) trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo quản lý Thủ đô.
Nhân dân Hà Nội đón mừng đoàn quân giải phóng ngày 10/10/1954. Ảnh: Tư liệu |
Để ngăn chặn việc Pháp và các tổ chức đảng phái tay sai dụ dỗ lôi kéo quần chúng nhân dân, đặc biệt là các vùng có tôn giáo rời bỏ miền Bắc vào miền Nam, Hội đồng Chính phủ công bố ngay các chính sách đối với thành thị mới tiếp quản: Chính sách với tôn giáo; các điều kỷ luật với bộ đội, cán bộ và nhân viên công tác khi vào thành phố mới tiếp quản. Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh cho các đơn vị bộ đội về tiếp quản Hà Nội phải giữ vững trật tự an ninh, bảo vệ nhân dân, bảo vệ ngoại kiều, phải triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật mà Chính phủ đã đề ra, phải luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan âm mưu của bọn phá hoại.
Cùng với đó, các tầng lớp nhân dân ở Hà Nội kiên quyết đấu tranh bảo vệ các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở kinh tế, văn hóa, giáo dục và y tế, gây sức ép, giành giữ, chặn không cho Pháp chở máy móc đi. Công nhân canh gác xí nghiệp cả ngày đêm để bảo vệ máy móc, hoặc tháo gỡ cất giấu các phương tiện sản xuất. Từ cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy điện Yên Phụ đã lan ra Nhà máy điện Bờ Hồ, Nhà máy nước, Nhà ga Hàng Cỏ, Nhà máy xe lửa Gia Lâm…
Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội gồm có bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Công cuộc tiếp quản thủ đô thành công tốt đẹp. Ta đã tiếp thu an toàn và nhanh gọn 129 công sở, công trình công cộng, xí nghiệp, bệnh viện, trường học, trong đó có các vị trí quân sự và các cơ quan đầu não quan trọng như Thành Hà Nội, Đồn Thủy, sân bay Bạch Mai, sân bay Gia Lâm, Phủ Toàn quyền, Phủ Thủ hiến Bắc Việt, sở Mật thám liên bang. Sinh hoạt của nhân dân vẫn giữ được bình thường, ổn định. Các ngành điện, nước, giao thông liên lạc hoạt động đều, thông suốt, an ninh chính trị, trật tự xã hội được bảo đảm tốt; trường học, bệnh viện, các cơ quan văn hóa, báo chí… tiếp tục hoạt động bình thường dưới sự quản lý của chính quyền.
Võ Hữu Lộc
Ý kiến bạn đọc