Nữ tướng Lê Chân vọng tiếng sử xanh
Tại TP. Hải Phòng, có một quận nội thành được đặt tên theo một nữ tướng mà tên tuổi của bà gần xa đều biết, vọng tiếng sử xanh ngàn năm, đó là nữ tướng Lê Chân.
Khoảng gần 2.000 năm trước, vào những thập niên đầu thế kỷ 1, giặc Đông Hán từ phương Bắc tràn xuống áp đặt ách đô hộ trên đất nước ta. Nhằm chống lại kẻ thù ngoại bang, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng từ năm 40 đến năm 43 được xem là cuộc khởi nghĩa quy mô đầu tiên của dân tộc ta trong lịch sử giữ nước, chống ngoại xâm. Trong số những tướng lĩnh tài ba dưới cờ hiệu triệu của Hai Bà Trưng có nữ tướng Lê Chân là tấm gương hào kiệt, trung liệt, được người dân suy tôn và thờ phụng.
Theo dấu vết ít ỏi còn lại từ cổ sử cùng với thần tích và những truyền thuyết dân gian thì Lê Chân sinh ra trong một gia đình nghèo, thuần hậu ở làng An Biên, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh ngày nay. Ông Lê Đạo, phụ thân của bà hành nghề thầy thuốc, hay giúp đỡ mọi người. Thân mẫu là bà Trần Thị Châu, nông dân áo vải hiền lành. Năm 18 tuổi, Lê Chân nổi tiếng xinh đẹp khắp vùng. Nghe tiếng đồn, Thái thú Tô Định bấy giờ cai quản nước ta tìm cách ép bà làm tì thiếp. Lê Chân cương quyết từ chối khiến Tô Định căm tức, dùng quyền thế hãm hại cha mẹ bà. Căm thù ngoại bang gây nên cảnh nước mất, nhà tan, Lê Chân rèn chí học võ nghệ, tập hợp những người tâm phúc sang An Dương (thuộc TP. Hải Phòng ngày nay) dấy binh khởi nghĩa.
Tượng đài nữ tướng Lê Chân ở TP. Hải Phòng. |
Cuối mùa xuân năm Canh Tý (40), Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa chống quân Đông Hán. Thủ lĩnh Lê Chân góp phần to lớn cùng Hai Bà Trưng tấn công dồn dập khắp nơi, khiến Tô Định bỏ giáp trụ chạy về Nam Hải. Chỉ trong 2 tháng, đất nước sạch bóng quân thù, Trưng Trắc lên ngôi vương và phong nữ tướng Lê Chân là Thánh Chân công chúa, giữ chức Chưởng quản binh quyền coi giữ vùng hải tần (vùng duyên hải Đông Bắc ngày nay).
Lịch sử và truyền thuyết cũng ghi nhận, sau khi nhà Đông Hán xâm lược trở lại với đội quân áp đảo về số lượng khiến nhà Trưng thất thủ, Hai Bà Trưng nhảy xuống sông tự vẫn để bảo toàn khí tiết thì nữ tướng Lê Chân vẫn tiếp tục cuộc khởi nghĩa ở căn cứ Lạt Sơn (thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam ngày nay). Mặc dù đội quân áo vải theo phò nữ tướng Lê Chân rất gan dạ, chiến đấu kiên cường nhưng không chống chọi nổi với quan quân nhà Hán đông đảo. Cuối mùa hạ năm Quý Mão (43) bị thất thủ, nữ tướng Lê Chân học theo tấm gương trung liệt của Hai Bà Trưng, cũng đã chọn gieo mình xuống sông để vẹn toàn danh tiết.
Tương truyền, Lê Chân không chỉ là nữ tướng có tài thao lược mà còn là người dạy dỗ người dân ở vùng An Dương các nghề trồng dâu, nuôi tằm, đánh bắt thủy hải sản. Nhờ học được nghề mới mà người dân miền duyên hải, vùng Đông Bắc có cuộc sống no đủ, có lương thực, thực phẩm để duy trì cuộc kháng chiến chống ngoại bang xâm lược.
Ghi nhớ công ơn nữ tướng Lê Chân, nhiều địa phương có đền thờ Bà: Quảng Ninh nơi nữ tướng Lê Chân sinh ra, lớn lên; Hải Phòng nơi khai phá đất đai, chiêu mộ anh hào phất cờ khởi nghĩa, dựng nghiệp; Hà Nội, nơi chiêu mộ binh sĩ, tập luyện võ nghệ và Hà Nam, căn cứ địa cuối cùng chống lại quân Đông Hán. Hằng năm, ở các địa phương thường tổ chức những lễ hội ghi nhớ công ơn và ca ngợi tấm gương yêu nước, thương dân của nữ tướng Lê Chân.
Có thể nói, cuộc đời và hành trạng của nữ tướng Lê Chân là điểm son sáng ngời trong sử sách. Cùng với Hai Bà Trưng, danh thơm của bà đã để lại muôn đời sau, vọng mãi ngàn năm. Những ai từng một lần ghé thăm đền thờ nữ tướng Lê Chân ở tỉnh Hà Nam, nơi bà tự vẫn, sẽ không khỏi tự hào trước bài thơ của danh sĩ Trương Hán Siêu.
Bài thơ có tên “Đáo Lê Chân từ”: Lê nữ thâm khanh tại/ Trưng triều cổ miếu cư/ Dương công huynh đệ hữu/ Sơn thạch hậu tiền thư/ Nam quốc, Nam quân chủ/ Lạc địa lạc canh sử/ Nhất thôn đương vô khí/ Cầu lai tảo tín dư. Dịch nghĩa: “Đến thăm đền thờ Lê Chân”: Người con gái họ Lê còn để lại địa danh / Nữ tướng triều Trưng, nay còn ngôi miếu cổ thờ bà/ Ông họ Dương (tướng của Hai Bà Trưng) vẫn còn anh em (ở đây)/ Vẫn còn sách vở viết chuyện trước sau (nơi núi đá Lê Chân vào trú ngụ)/ Nước Nam (thì) vua Nam làm chủ/ Đất Lạc (thì) dân nước Lạc canh tác, cày bừa/ Dù chỉ một tấc đất cũng không được để mất vào tay bọn xâm lược/ Mong rằng người thời sau phải ghi nhớ lấy điều này”.
Triều Nguyễn
Ý kiến bạn đọc