Multimedia Đọc Báo in

Hội thảo khoa học “Đắk Lắk - 120 năm hình thành và phát triển”: Nguồn thông tin, tư liệu quý để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển toàn diện tỉnh Đắk Lắk

12:56, 26/10/2024

Với 6 tham luận và 7 ý kiến phát biểu, Hội thảo khoa học “Đắk Lắk - 120 năm hình thành và phát triển” do Ban Thường vụ Tỉnh ủy phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức sáng 26/10 đã cung cấp nhiều tư liệu, cách nhìn khá toàn diện, đầy đủ, sâu sát về lịch sử, địa lý, truyền thống văn hóa, tầm vóc, vị thế của Đắk Lắk trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam.

Sau phát biểu khai mạc chào mừng hội thảo và báo cáo đề dẫn hội thảo của các đồng chí chủ trì, tại hội thảo, các nhà khoa học gồm: TS. Phạm Đức Anh, Viện Trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS.TS Đinh Quang Hải, Tổng biên tập Tạp chí nghiên cứu Lịch sử, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; TS. Lê Thanh Bài, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng; TS. Nguyễn Duy Thụy, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Nhà nghiên cứu Văn hóa Linh Nga Niê Kdăm đã trình bày các tham luận.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung phát biểu ý kiến tại hội thảo khoa học.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung phát biểu bế mạc hội thảo.

Các nội dung tham luận tập trung vào các vấn đề: “Vùng đất Tây Nguyên - Đắk Lắk trong tiến trình hợp nhất của dòng chảy lịch sử, văn hóa Việt Nam”; “Tỉnh Đắk Lắk - Từ vị thế địa lý đặc biệt quan trọng và truyền thống lịch sử, giá trị văn hóa đến khát vọng, tầm nhìn, phương hướng phát triển bền vững trong tương lai”; “Chính sách cai trị của thực dân Pháp ở tỉnh Đắk Lắk trước năm 1945”; “Chiến thắng Buôn Ma Thuột trong tiến trình lịch sử 120 năm lịch sử tỉnh Đắk Lắk”; “Công nghiệp chế biến nông sản chủ lực: Đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk”; “Giữ gìn bảo tồn di sản văn hóa ở Đắk Lắk”.

Toàn cảnh hội thảo khoa học.
Toàn cảnh hội thảo khoa học.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã được nghe ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk gồm: Ama H’Oanh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy; Lê Chí Quyết, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn An Vinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy về quá trình đấu tranh cách mạng, bảo vệ, xây dựng, phát triển tỉnh Đắk Lắk tập trung vào các nội dung: “Những đóng góp của quân và dân Đắk Lắk trong chiến thắng Buôn Ma Thuột”; “Vấn đề đấu tranh giải quyết FULRO trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk từ 1975 - 1992”; “Một số vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk sau ngày giải phóng”.

TS. Phạm Đức Anh, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội tham luận nội dung Vùng đất Tây Nguyên - Đắk Lắk trong tiến trình hợp nhất của dòng chảy lịch sử, văn hóa Việt Nam.
TS. Phạm Đức Anh, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội tham luận nội dung "Vùng đất Tây Nguyên - Đắk Lắk trong tiến trình hợp nhất của dòng chảy lịch sử, văn hóa Việt Nam".

Nội dung các tham luận, thảo luận, ý kiến đã giúp cho đại biểu được tiếp cận nhiều tư liệu mới, cách nhìn khá toàn diện, đầy đủ, sâu sát về lịch sử, địa lý, truyền thống văn hóa, tầm vóc, vị thế của Đắk Lắk trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản tham luận Tỉnh Đắk Lắk - Từ vị thế địa lý đặc biệt quan trọng và truyền thống lịch sử, giá trị văn hóa đến khát vọng, tầm nhìn, phương hướng phát triển bền vững trong tương lai.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản tham luận "Tỉnh Đắk Lắk - Từ vị thế địa lý đặc biệt quan trọng và truyền thống lịch sử, giá trị văn hóa đến khát vọng, tầm nhìn, phương hướng phát triển bền vững trong tương lai".

Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, theo từng vấn đề cụ thể liên quan đến tỉnh Đắk Lắk trong suốt quá trình lịch sử 120 năm hình thành và phát triển.

Mỗi ý kiến phát biểu của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh thể hiện tâm huyết, trăn trở đối với từng thời kỳ phát triển của tỉnh, đồng thời gợi mở nhiều vấn đề để tỉnh Đắk Lắk đánh giá, nhìn nhận rõ khó khăn, thử thách, thời cơ và những vấn đề trọng tâm để hoạch định chiến lược phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

Nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê Kdăm tham luận nội dung Giữ gìn bảo tồn di sản văn hóa ở Đắk Lắk trong giai đoạn hiện nay.
Nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê Kdăm tham luận nội dung "Giữ gìn bảo tồn di sản văn hóa ở Đắk Lắk trong giai đoạn hiện nay".

Phát biểu bế mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các nhà khoa học, đặc biệt là Ban Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng và GS.TS Lê Văn Lợi đã quan tâm, hỗ trợ tư vấn để tổ chức thành công hội thảo.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy trân trọng, tiếp thu, lĩnh hội các ý kiến tham luận, phát biểu; đồng thời xác định đó là những nguồn thông tin, tư liệu quý làm cơ sở để Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp định hướng phát triển Đắk Lắk trong thời gian tới.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn An Vinh phát biểu ý kiến về nội dung
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn An Vinh phát biểu về nội dung "Một số vấn đề phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk sau ngày giải phóng".

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh, trong chặng đường sắp tới, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, Đắk Lắk cũng đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần tiếp tục khơi dậy, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khai thác tiềm năng, lợi thế; tranh thủ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân; quán triệt sâu sắc, toàn diện, đầy đủ và thực hiện nghiêm túc quan điểm: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giữ gìn và phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là nền tảng tinh thần của xã hội, tạo động lực cho phát triển bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.

Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Chí Quyết nêu ý kiến về nội dung
Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Chí Quyết nêu ý kiến về nội dung "Vấn đề đấu tranh giải quyết vấn đề FULRO trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk từ 1975 - 1992".

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung khẳng định, với bề dày truyền thống hào hùng của lịch sử 120 năm cùng vị thế chính trị - xã hội hiện tại, toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục vun đắp truyền thống cách mạng hào hùng và lòng yêu nước; trân trọng và gìn giữ những thành quả mà các thế hệ cha ông đã dày công vun đắp; đoàn kết, chung sức đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng tỉnh Đắk Lắk phát triển nhanh, bền vững, ngày càng giàu đẹp, văn minh, bản sắc; góp phần tạo nền tảng vững chắc cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, theo đúng quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển của Đảng và Nhà nước ta.

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.