Multimedia Đọc Báo in

Đồng tiền không tạo nên sức mạnh và tình yêu!

08:11, 09/12/2022

World Cup 2022 đã bước vào vòng tứ kết, để lại nhiều ấn tượng đối với người hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới. Tuy nhiên, một trong những điều hụt hẫng lớn nhất của khán giả là lời chia tay quá sớm, yếu đuối và thiếu cảm xúc của đội bóng chủ nhà Qatar. Vậy câu chuyện này nói lên điều gì?

Qatar với nguồn lợi khổng lồ từ dầu mỏ là quốc gia giàu có tốp đầu thế giới, nơi tập trung nhiều tỷ phú, triệu phú đô la. Lâu nay, đất nước này không phải là một cường quốc bóng đá. Bởi vậy, họ quyết định sử dụng đồng tiền để đầu tư một cách ồ ạt cho môn thể thao vua với tham vọng nâng tầm bóng đá nước nhà và xây dựng hình ảnh “quốc gia bóng đá”.

1
Hiện tại Aspire là lò đào tạo chất lượng thuộc top đầu thế giới. Ảnh minh họa: Internet

Bước đi quan trọng trong hành trình vươn ra thế giới của bóng đá đất nước vùng Vịnh là xây dựng Học viện bóng đá Aspire với trang thiết bị đào tạo hiện đại theo hình mẫu Học viện La Masia của Câu lạc bộ Barcelona (Tây Ban Nha). Họ cũng trả lương cao ngất ngưởng để mời Huấn luyện viên trưởng Felix Sanchez về làm việc. Đội tuyển quốc gia Qatar tham dự World Cup 2022 là thành quả của học viện này với 21/26 cầu thủ. Ở cấp câu lạc bộ, các đội bóng tại Qatar đã không tiếc tiền đổ ra để lôi kéo các ngôi sao nổi tiếng thế giới về thi đấu. Bên cạnh đó, họ cũng thu hút nhiều huấn luyện viên từng cầm quân ở các câu lạc bộ hàng đầu châu Âu đến làm việc với chế độ đãi ngộ rất cao. Để chuẩn bị cho World Cup lần này, nước chủ nhà đã chi hơn 200 tỷ USD để xây dựng cơ sở vật chất, sân vận động và công tác tổ chức, gấp 12 lần so với World Cup năm 2018 ở nước Nga.

Đầu tư khổng lồ, sự chuẩn bị chu đáo, đội bóng chủ nhà Qatar mang theo kỳ vọng lớn. Thế nhưng kết quả thì đã rõ, họ là đội chủ nhà yếu nhất lịch sử giải đấu này với 3 trận toàn thua. Theo dõi các trận đấu của đội bóng này, ai cũng thấy họ thua xa các đối thủ về kỹ thuật, chiến thuật, tổ chức và cả khát khao chiến thắng. Hơn nữa, nhìn qua có vẻ hào nhoáng, nhưng thực ra đội bóng quốc gia Qatar không có bản sắc. Điều này cũng đúng thôi bởi phần lớn cầu thủ là người nhập cư, chỉ có 6 người có cả bố và mẹ đều là người Qatar, sinh ra ở nước này, 20 người còn lại có trong mình nửa dòng máu Qatar hoặc là công dân nhập tịch từ các quốc gia khác.

Cũng bởi không có truyền thống bóng đá, tinh thần thi đấu vì màu cờ sắc áo nên đội bóng này không có được tình yêu và sự đồng hành của cổ động viên nhà. Có cảm giác, khán giả nước này đến sân vì sự thích thú, hiếu kỳ vì lần đầu tiên giải bóng đá lớn nhất hành tinh được tổ chức ở nước mình. Bởi vậy mà ngay khi trận khai mạc chưa kết thúc, nhiều cổ động viên đã bỏ ra về. Có lẽ những người làm bóng đá Qatar không khỏi xót xa khi đồng tiền không thể mua được lòng người, ít ra là sự đồng hành vì sự thành công chung của giải đấu. Còn gì buồn hơn khi trong những trận đấu lịch sử để chứng minh cho cả thế giới thấy tầm vóc của bóng đá quốc gia mà lại bị khán giả nhà "quay lưng".

Có thể nói, bóng đá có mối quan hệ lớn với kinh tế - xã hội một quốc gia, nước nào ít đói nghèo, thất nghiệp, tiềm lực kinh tế mạnh thì bóng đá dễ phát triển. Nhưng trong bóng đá, tiền không phải là tất cả. Người Qatar tưởng rằng đồng tiền sẽ giúp nền bóng đá, đội tuyển quốc gia "lột xác", nhưng thực tế thì đã rõ. Tiền có thể làm nên những sân bóng xa hoa, nhưng không thể mua được đẳng cấp, tình yêu và sự đồng hành vì màu cờ sắc áo. 

Câu chuyện của Qatar ở World Cup lần này là điều đáng suy ngẫm. Giá trị của bóng đá, truyền thống, bản sắc đội tuyển quốc gia không thể mua bằng tiền. Dẫu sao, thất bại ở giải đấu này giúp người Qatar "tỉnh giấc" trong tham vọng nâng tầm bóng đá nước nhà.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.