Multimedia Đọc Báo in

Thi công đường khiến cổng nhà dân bị "treo" cao: Cần lời giải thỏa đáng

06:51, 01/09/2021

Nhiều hộ dân sinh sống dọc hai bên đường liên xã Cư Êwi - Ea Hu (huyện Cư Kuin) rất lo lắng khi tuyến đường đang thi công bị hạ cốt nền, không theo hiện trạng đường cũ khiến cổng nhà bị "treo" cao hơn mặt đường cả mét.

Thay đổi hiện trạng mặt đường cũ

Dự án đường giao thông liên xã Cư Êwi - Ea Hu bắt đầu từ thôn 1B (xã Cư Êwi) và kết thúc tại ngã ba chợ An Bình (xã Ea Hu, huyện Cư Kuin) có chiều dài hơn 3,5 km, với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách huyện, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (gọi tắt là Ban quản lý dự án) huyện Cư Kuin làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện hợp đồng từ tháng 5 đến tháng 10-2021. Đây là tuyến đường trọng điểm, nối liền khu trung tâm hành chính xã Cư Êwi với khu dân cư và xã lân cận. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng thi công, đơn vị thi công bất ngờ xin thay đổi thiết kế, nền đường bị múc sâu hơn hẳn gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhà dân hai bên đường.

Ông Nguyễn Trung Nhất (58 tuổi, trú thôn 6, xã Ea Ning) bức xúc: “Nhà thầu đưa máy múc hạ nền đường chở đất đi nơi khác khiến trước cổng nhà tôi sâu gần 2 m, sau này khi đường hoàn thành cao lên khoảng 40 cm (nền đá và bê tông), tính ra nền nhà tôi cao hơn mặt đường từ 1,6 - 1,7 m. Làm đường kiểu này thì người già, phụ nữ, trẻ em và các phương tiện làm sao vào nhà?”. Tương tự, bà Hoàng Thị Sanh (thôn 5, xã Ea Hu) bày tỏ: “Từ ngày múc đường sâu xuống việc đi lại rất khó, xe máy đưa lên nhà phải 2 - 3 người đẩy, còn xe công nông phục vụ sản xuất nông nghiệp và ô tô phải gửi nhờ hàng xóm hoặc để ngoài đường. Chúng tôi cố gắng khắc phục những bất tiện khi nhà thầu đang thi công để sớm có đường mới đi lại thuận tiện, nhưng thi công xong mà “treo” nhà dân thì không ổn”.

Bà Hoàng Thị Sanh (thôn 5, xã Ea Hu) bức xúc khi tuyến đường bị hạ cốt khiến việc vào nhà của người dân gặp nhiều khó khăn.

Theo ghi nhận, hiện trạng đường cũ khá bằng phẳng, có độ dốc nhỏ nhưng hiện nay nhà thầu đã múc đất chở đi nên tính từ mặt đường lên nhà dân có độ sâu từ 0,5 - 1 m, thậm chí có nơi sâu từ 1,7 - 2 m gây “tắc” lối vào nhà. Hiện nay, do đang trong quá trình thi công nên có một số vị trí bị múc nham nhở khiến nước ngập sâu, lầy lội song không có biển cảnh báo nào. Nhà thầu càng múc hạ nền đường, lối vào nhà người dân càng bị “treo” cao, các phương tiện không thể vào nhà nên nhiều hộ dân đã làm đơn khiếu nại gửi chính quyền địa phương các cấp, đồng thời ngăn cản việc thi công…

Dừng thi công để chờ… xin ý kiến?

Trước sự phản đối quyết liệt từ người dân, mới đây đại diện Ban quản lý dự án, đơn vị thi công và kỹ sư giám sát công trình đã có buổi đối thoại trực tiếp với đại diện các hộ dân nhưng hai bên vẫn chưa có tiếng nói chung!

 
"Công trình vì mục đích chung, chúng tôi mong muốn bà con "thông cảm" và chịu thiệt thòi đôi chút. Còn nếu người dân vẫn không đồng tình, chúng tôi sẽ xin ý kiến chỉ đạo từ Chủ tịch UBND huyện. Giải pháp như thế nào, có điều chỉnh thiết kế hay không thì lãnh đạo huyện sẽ đi thực tế, lắng nghe ý kiến của bà con và chỉ đạo sau.
 
 Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Cư Kuin Phạm Văn Phúc giải thích

 

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hu Phạm Thanh Hoằng, tuyến đường này trước đây không phải thiết kế như hiện nay (múc sâu - PV) mà nâng cấp, sửa chữa giữ nguyên trạng mặt đường cũ. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, đơn vị thi công đã thay đổi thiết kế ban đầu và được huyện đồng ý cho điều chỉnh nên đã gây ảnh hưởng ít nhiều đến người dân. “Tạm thời địa phương đã yêu cầu đơn vị thi công dừng lại để xin ý kiến UBND huyện giải quyết cho hợp tình hợp lý”, ông Hoằng nhấn mạnh.

Theo Giám đốc Ban quản lý dự án Phạm Văn Phúc, theo thiết kế ban đầu, tuyến đường này được nâng cấp, sửa chữa theo nguyên tắc giữ nguyên hiện trạng mặt đường cũ. Tuy nhiên, khi triển khai thi công thì "vướng" phải vấn đề là đoạn cuối tuyến (đoạn chợ An Bình, xã Ea Hu) bị đọng nước, nên chủ đầu tư thấy cần điều chỉnh cho phù hợp để không gây ngập úng và hư hại đường sau này. Sau đó, UBND huyện đã đồng ý thay đổi thiết kế ban đầu là hạ nền đường xuống so với mặt đường cũ, đồng thời đắp bù phần trũng lên để uốn lại mặt đường tạo độ dốc nghiêng cho nước thoát về hướng khu vực suối cách đó hơn 1 km. Sau khi thi công xong đường, Ban quản lý dự án sẽ cho đầu tư hệ thống thoát nước hai bên. Tuy nhiên, trong dự án công trình chưa có kinh phí làm rãnh thoát nước, do đó sẽ xin ý kiến từ UBND huyện sau.

Tuyến đường bị hạ thấp hơn nền nhà khiến việc vào nhà của người dân gặp khó khăn.

Có thể thấy, việc triển khai dự án là chủ trương đúng đắn, nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, việc thiết kế, thi công chưa phù hợp với thực tế làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân, đi ngược lại với mục tiêu ban đầu. Hơn nữa, theo ý kiến của một số kỹ sư cầu đường, việc xây dựng các tuyến đường giao thông làm cho nhà dân thấp hơn hoặc cao hơn mặt đường là gây thiệt hại, làm hạn chế việc sử dụng nhà, đất của người dân, gây khó khăn trong kết nối giao thông. Vì vậy, chủ đầu tư khi thực hiện dự án cần phải báo cáo đánh giá tác động để có phương án bồi thường, hỗ trợ cho người dân hợp tình, hợp lý.

Từ thực tế này, mong muốn các cấp, ngành chức năng của huyện Cư Kuin sớm vào cuộc xem xét, giải quyết dứt điểm những bất cập nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và đơn vị thi công.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.