Multimedia Đọc Báo in

Những “nghệ sĩ” binh nhì

08:23, 08/04/2022

Phút giải lao trên thao trường, bãi tập, hay trong những đêm giao lưu văn nghệ, diễn đàn thanh niên, sinh nhật đồng đội…, các tiết mục biểu diễn của Ban nhạc Binh nhì luôn được cánh lính trẻ ở Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 1, Sư đoàn 2, Quân khu 5) hưởng ứng, cổ vũ nhiệt tình.

Chiều muộn, trước giờ sinh hoạt Tổ 3 người, binh nhì Nguyễn Tấn Tài, chiến sĩ Tiểu đội 8 (Trung đội 8, quê ở Đắk Lắk) ôm đàn ghi ta ra ngồi trước thềm nhà nghêu ngao hát: “Gặp lại em, mùa mưa, con đường xưa đây rồi. Gặp lại em, nhịp chiêng, chén rượu nghiêng đêm mời. Ánh mắt ấy, tiếng nói ấy, thương thương hoài. Gió thế đấy, nắng thế đấy…”. Giọng ca khỏe khoắn, đậm chất đại ngàn của người lính trẻ sinh ra và lớn lên bên dòng Krông Ana thu hút sự quan tâm, chú ý của mọi người. Từ Đại đội 6, Đại đội 7 và Trung đội pháo SPG-9, như “bắt được sóng”, các thành viên trong Ban nhạc Binh nhì liền rủ nhau mang ghi ta, sáo trúc, trống ca jon, đàn bầu, organ đến góp vui. Chẳng mấy chốc, đêm “nhạc sống” đã thu hút sự tham gia, hưởng ứng sôi nổi của đông đảo cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.

Đam mê ca hát, từ kinh nghiệm thực tế sau gần 2 năm chạy “sô” kiếm sống khắp trong và ngoài tỉnh Đắk Lắk, khi nhập ngũ, Nguyễn Tấn Tài thường xuyên được đồng đội tin tưởng giao nhiệm vụ xây dựng kịch bản, nội dung, chương trình để các đêm diễn của ban nhạc luôn mới mẻ, độc đáo, hấp dẫn người xem. Bên cạnh các ca khúc cách mạng truyền thống, trữ tình, lãng mạn, những động tác nhảy hip hop sôi động, trẻ trung của ban nhạc cũng thu hút sự cổ vũ nhiệt tình của các tân binh. Hai ngày nghỉ cuối tuần, ban nhạc thường phải hoạt động hết công suất để phục vụ đoàn viên, thanh niên của các chi đoàn, liên chi đoàn.

Ban nhạc Binh nhì biểu diễn phục vụ bộ đội trong ngày nghỉ cuối tuần.

Có bố là nhạc công chuyên nghiệp nên từ nhỏ binh nhì Phạm Bảo Hòa, chiến sĩ Tiểu đội 7 (Trung đội 5, quê ở Khánh Hòa) đã được làm quen và thử sức với nhiều loại nhạc cụ khác nhau như ghi ta cổ, ghi ta nhạc, đàn bầu, piano. Là gương mặt quen thuộc của các phòng trà, tụ điểm ca nhạc nơi phố biển Nha Trang, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Bảo Hòa đã nhiều lần tham gia biểu diễn phục vụ đội ngũ y bác sĩ, bệnh nhân trong những khu cách ly, bệnh viện dã chiến trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Ngày nhập ngũ, ngoài ba lô, quân tư trang như bao đồng đội, hành trang của Bảo Hòa còn có thêm 2 cây đàn ghi ta. Đây là món quà đặc biệt mà bố anh dành tặng con trai, với mong muốn trong môi trường mới, anh luôn vui vẻ, lạc quan, cùng đồng đội phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Khoe cây đàn organ còn rất mới, binh nhì Nguyễn Quốc Nhựt, chiến sĩ Tiểu đội 12 (Trung đội SPG-9, quê ở Phú Yên) kể: “Đam mê ca hát, khi còn đi học, tôi thường xuyên tham gia các chương trình văn nghệ do nhà trường tổ chức. Tích cóp mãi, cuối cùng tôi cũng mua được chiếc đàn ưng ý, ngày ngày cùng bạn bè đi biểu diễn phục vụ trong các nhà hàng tiệc cưới, quán ăn để nâng cao trình độ tay nghề và có thêm thu nhập. Vào quân đội, được giao lưu, chơi đàn cùng các bạn, tôi cảm thấy rất vui. Khác với ghi ta, sáo trúc, đàn bầu có thể chơi được cả trên thao trường, bãi tập, đàn organ do cần nguồn điện nên “tầm hoạt động” có phần hạn chế hơn. Khi sinh hoạt, học tập trong hội trường hay ngày nghỉ, giờ nghỉ, tôi thường đệm đàn để mọi người cùng hát”.

Sau gần hai tháng kiên trì ôm đàn “bật bông”, nhờ sự hướng dẫn, kèm cặp tận tình của đồng đội, đến nay binh nhì A Duy, chiến sĩ Tiểu đội 10 (Trung đội 9, quê ở Kon Tum) và Lương Trọng Nhân, chiến sĩ Tiểu đội 4 (Trung đội 7, quê ở Phú Yên) đã trở thành nhạc công chính thức trong ban nhạc lính. Để nâng cao trình độ, tay nghề, A Duy còn tiết kiệm phụ cấp, nhờ bạn gái mua giúp mình một cây đàn mới. Những lúc rảnh rỗi, anh lại tranh thủ tập đàn. Trong đêm sinh nhật đồng đội tháng 3 vừa qua, A Duy, Trọng Nhân đã tự tin bước lên sân khấu, đệm đàn cho cả Liên chi đoàn hát vang ca khúc “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”.

Theo Đại úy Lê Văn Đồng, Chính trị viên Tiểu đoàn 2, ngoài câu lạc bộ võ thuật, đội tuyển bóng đá, bóng chuyền, ban nhạc Binh nhì thực sự là dấu ấn độc đáo, mới lạ của đơn vị trong mùa huấn luyện chiến sĩ mới năm nay. Sau những giờ huấn luyện, học tập căng thẳng, lời ca, tiếng hát và những tiếng cười sảng khoái, hồn nhiên như chất keo gắn kết, liều thuốc tinh thần giúp cán bộ, chiến sĩ vui vẻ, lạc quan, gắn bó với nhau hơn.

An Khang


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.