Multimedia Đọc Báo in

Bộ đội biên phòng giúp dân “an cư, lạc nghiệp”

08:35, 30/01/2024

Góp phần nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân khu vực biên giới, những năm qua, bộ đội biên phòng tỉnh luôn chú trọng triển khai nhiều giải pháp để giúp bà con an cư, lạc nghiệp phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Những mái ấm nghĩa tình

Tết Giáp Thìn càng cận kề, niềm vui có nhà mới của gia đình ông Lê Văn Hiệp (thuộc đối tượng gia đình có công với cách mạng) càng nhân lên. Hơn 20 năm từ tỉnh Bến Tre lên vùng biên Ia R’vê (huyện Ea Súp) lập nghiệp, căn nhà của vợ chồng ông cũng dột nát theo thời gian.

Được các đơn vị, nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ, niềm mơ ước về ngôi nhà mới của gia đình ông đã hiện hữu. Thượng úy Hoàng Văn Tuấn (Đội Vũ trang), Trung úy Đặng Văn Cần (Đội Vận động quần chúng) cùng các cán bộ của Đồn Biên phòng Ia R’vê đã góp sức từ những ngày đầu đến khi hoàn thiện căn nhà giúp ông Hiệp với các phần việc như dỡ nhà cũ, đẩy đất, xúc cát vữa, xây tường, sơn ve... Ông Hiệp tâm tình: “Căn nhà giá trị và tiết kiệm kinh phí hơn rất nhiều nhờ bộ đội biên phòng. Các chú chu đáo, tận tình tư vấn, hướng dẫn như xây dựng nhà cho chính mình”.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia R'vê hỗ trợ gia đình ông Hiệp xây dựng nhà mới.

Cách nhà ông Hiệp không xa là ngôi nhà bề thế, khang trang của ông Phan Thanh Sang. Thoạt nhìn ngôi nhà, ít ai biết tổng kinh phí xây dựng chỉ khoảng 200 triệu đồng. Trong đó, các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng; Đồn Biên phòng Ia R’vê giúp đỡ ngày công, tư vấn ý tưởng thiết kế, cách lựa chọn vật liệu sao cho bảo đảm phù hợp nhất.

Trên miền biên ải, từ năm 2019 đến nay, lực lượng biên phòng phòng đã phối hợp xây dựng 86 căn nhà đoàn kết quân - dân với tổng trị giá 8,6 tỷ đồng. Riêng tại xã Ia R’vê, trong năm 2023, Đồn Biên phòng Ia R’vê đã tham gia xây dựng 3 căn nhà mới. Thiếu tá Cao Mạnh Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia R’vê bày tỏ: “Đồng hành cùng bà con an cư lạc nghiệp trên biên giới là một trong những nhiệm vụ quan trọng được đơn vị đặc biệt quan tâm. Qua đó góp phần chia sẻ khó khăn, giúp bà con ổn định đời sống, tạo động lực để bà con cùng chung tay phối hợp với lực lượng biên phòng tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”.

Vì biên giới bình yên, no ấm

Không chỉ góp sức xây dựng những căn nhà sâu đậm tình quân - dân, bộ đội biên phòng còn phối hợp thực hiện nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, ý nghĩa ở các xã biên giới.

Các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng điều tra, nghiên cứu, nắm tình hình địa bàn, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Bộ đội biên phòng tăng cường bố trí, sử dụng cán bộ vận động quần chúng có kinh nghiệm, am hiểu phong tục, tập quán, nói tiếng địa phương để “4 cùng” với đồng bào. Chỉ từ năm 2019 đến nay, cán bộ, chiến sĩ đã hỗ trợ 8.360 ngày công giúp dân phát triển kinh tế - xã hội. 

Chị H’Lũn Hwing (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) trò chuyện: "Chúng tôi rất quý các chú bộ đội biên phòng. Hầu hết các gia đình khó khăn ở vùng đất này đều được các chú giúp đỡ. Nhờ các chú đã có nhiều gia đình được hỗ trợ xây nhà, tặng bò sinh sản, gà giống, cây giống, giúp thu hoạch mùa màng…”.

Tình cảm quân - dân ở xã Ia R'vê, huyện Ea Súp.

Luôn dành tình cảm đặc biệt cho học sinh vùng biên, những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai hiệu quả các chương trình chắp cánh ước mơ cho trẻ em. Trong năm 2023 đã có 368 học sinh được hỗ trợ, đỡ đầu, nhận nuôi dưỡng. Ngoài giúp đỡ kinh phí, các đơn vị còn phối hợp tặng 44 suất học bổng, 75 chiếc xe đạp, 43 bộ dụng cụ học tập, 43 bộ quần áo cho học sinh, tổng trị giá hơn 59 triệu đồng.

Là một trong 11 học sinh được tặng xe đạp nhân dịp năm mới 2024, em Hoàng Thị Hiền (dân tộc Dao, học sinh Trường THCS Võ Thị Sáu, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) bày tỏ: “Mẹ làm nông, một mình vất vả nuôi bốn người con nên em chẳng dám mong cầu gì nhiều. Khó khăn của gia đình đã được các chú bộ đội thấu hiểu. Các chú vẫn thường xuyên động viên tặng quà, cũng nhờ có các chú tặng xe đạp nên từ giờ em không còn phải đi bộ tới trường nữa”.

Song hành với các mô hình giúp dân phát triển kinh tế, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng biên luôn được chú trọng. Hiện nay, ở khu vực biên giới, bộ đội biên phòng đã tham mưu, phối hợp xây dựng 3 phòng khám quân dân y kết hợp tại xã Krông Na (huyện Buôn Đôn), các xã Ia R’vê, Ia Lốp (huyện Ea Súp). Đội ngũ y, bác sĩ các phòng khám thường xuyên tư vấn, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân. Trung bình mỗi năm có hàng nghìn lượt người dân ở vùng biên, thậm chí các tỉnh thành trong cả nước đã tìm về biên cương để được các bác sĩ nơi đây kiểm tra, chăm lo sức khỏe.

Bà Nông Thị Hoa (SN 1957, dân tộc Nùng) từ tỉnh Lạng Sơn vào xã Ia R’vê vừa thăm con, kết hợp điều trị bệnh. Bà kể, tuổi càng già, bà càng bị còng lưng, thường xuyên đau xương khớp, kém ăn, mất ngủ. Khám chữa khắp nơi nhưng không đỡ, vậy mà nhờ bác sĩ quân hàm xanh châm cứu hơn 10 ngày, bà khỏe hơn hẳn. Bà Hoa cảm động: “Bác sĩ quân y không chỉ chu đáo, vui vẻ, mà còn rất tình cảm, không lấy tiền bạc gì, có nhiều người bệnh khó khăn, bác sĩ quân y còn vận động hỗ trợ đi lại, ăn uống”.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.