Xây dựng cam kết giảm tỷ lệ đuối nước trẻ em
Ngày 16-7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị phát động chiến dịch phòng chống đuối nước trẻ em và xây dựng cam kết giảm tử vong trẻ em do đuối nước ở 15 tỉnh, thành phố có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao. Mục đích của chiến dịch là nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phòng chống đuối nước trẻ em và kêu gọi các gia đình, cộng đồng và lãnh đạo địa phương cần có hành động cấp bách để giải quyết tình trạng này.
Quang cảnh hội nghị |
Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn thương tích dẫn đến tử vong cho trẻ em ở Việt Nam. Chỉ tính riêng năm 2008, cả nước có khoảng 3.500 trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 0-19 tử vong do đuối nước. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ trẻ em bị tử vong do đuối nước cao nhất khu vực. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu do thiếu sự quan tâm của các cấp, ngành, nhà trường và toàn xã hội. Qua phân tích cho thấy, trên 90% trường hợp trẻ dưới 5 tuổi đuối nước là không có sự trông coi của người lớn; bố mẹ đi làm, giao em nhỏ cho anh chị lớn hơn trông coi; khả năng bơi của trẻ thấp. Đặc biệt, phương tiện đường thủy không bảo đảm an toàn lại thường xuyên chở quá tải và người điều khiển cũng chưa được đào tạo những kỷ năng cần thiết... Các đại biểu đề nghị các cấp, ngành cần quan tâm hơn nữa đến công tác thiết lập cho trẻ em một môi trường sống an toàn, như: dạy bơi cho trẻ em; rào các ao hồ xung quanh nhà cẩn thận; lắp đặt biển báo ở những nơi nguy hiểm… Theo ông Jean Dupraz, Phó đại diện UNICEF tại Việt Nam, đuối nước có thể ngăn chặn được nếu các đơn vị có liên quan nỗ lực cùng hành động trong việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng, cải tạo môi trường vui chơi và nâng cao kỹ năng sống cho trẻ thông qua các hoạt động dạy bơi và cấp cứu.
Giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống đuối nước trẻ em |
Tại hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, đoàn thể TW hữu quan và 15 tỉnh, thành có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao đã ký cam kết phấn đấu giảm số trẻ em bị đuối nước và thực hiện các quy định về phòng chống đuối nước. Theo đó, các Bộ, ngành, đoàn thể TW sẽ có kế hoạch, can thiệp đồng bộ và chỉ đạo ngành dọc phối hợp cùng địa phương triển khai có hiệu quả kế hoạch liên ngành phòng chống đuối nước trẻ em. Các địa phương xây dựng kế hoạch chiến lược về phòng chống đuối nước trẻ em tại địa phương năm 2010 và giai đoạn 2011-2015. Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền về phòng chống đuối nước trẻ em, đặc biệt trong việc huy động các nguồn lực. Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông với nhiều hình thức, phù hợp với người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ và trẻ em. Triển khai ngay công tác dạy bơi cho trẻ em và đẩy mạnh xã hội hoá công tác này. Tăng cường các hoạt động cải tạo môi trường, loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em như: trang bị biển báo, làm hàng rào ở những nơi sông nước nguy hiểm. Duy trì các hoạt động sinh hoạt hè lành mạnh; tiếp tục cung cấp các điểm trông giữ trẻ vào mùa lũ; xây dựng các điểm vui chơi an toàn cho trẻ em.
Tắm sông không có người lớn giám sát, một trong những nguyên nhân gây đuối nước trẻ em cao (chụp từ hình trưng bày của Ban tổ chức Hội nghị) |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đàm Hữu Đắc đề nghị các địa phương cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình, nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng chống đuối nước trẻ em. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các địa phương cần tổng hợp tình hình, nguyên nhân đuối nước, kịp thời báo cáo cho UBND tỉnh để tìm biện pháp phòng chống. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội sẽ có trách nhiệm đưa nội dung phòng chống đuối nước trẻ em vào chương trình hành động quốc gia bảo vệ trẻ em trong thời gian sớm nhất, đồng thời cũng sẽ tranh thủ tìm kiếm các nguồn tài chính để hỗ trợ địa phương nâng cao chất lượng công tác phòng chống đuối nước trẻ em.
• 15 tỉnh, thành phố có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao nhất cả nước, xếp thứ tự từ cao xuống thấp (số liệu do Bộ Y tế tổng hợp năm 2008) gồm: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Nội, Tiền Giang, Nam Định, Dak Lak, Bắc Giang, Quảng Ngãi, Đồng Tháp, An Giang, Sơn La, Lâm Đồng, Hải Phòng, Long An và Thái Bình
• Tại Dak Lak, năm 2008 có 108 trường hợp từ 0-19 tuổi bị tử vong do đuối nước; năm 2009 là 118 trường hợp và 6 tháng đầu năm 2010 là 25 trường hợp. Qua phân tích cho thấy, số trẻ đuối nước chủ yếu từ 6-16 tuổi; 65% tử vong do tắm ở sông, hồ, đập nước và nước lũ cuốn trôi; nguyên nhân đuối nước chủ yếu do nhận thức về nguy cơ và hậu quả đuối nước thấp, việc giám sát trẻ chưa chặt chẽ, trẻ không biết bơi, thiếu các điểm vui chơi an toàn cho trẻ.
Lê Ngọc
Ý kiến bạn đọc