Multimedia Đọc Báo in

Pháp thông qua dự luật cải cách hưu trí

20:36, 23/10/2010
Trong không khí căng thẳng của các cuộc bãi công, biểu tình của các nghiệp đoàn và sinh viên học sinh những ngày qua, Thượng viện Pháp đã bỏ phiếu thông qua dự luật cải cách chế độ hưu trí.
Với 177 phiếu thuận và 153 phiếu chống, Thượng viện Pháp đã thông qua dự luật cải cách chế độ hưu trí. Điều khoản gây tranh cãi nhất trong dự luật trên là nâng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62. Theo quy trình lập pháp, đầu tuần tới, Quốc hội Pháp (bao gồm Thượng viện và Hạ viện), thông qua một ủy ban hỗn hợp của hai viện, sẽ thống nhất dự thảo văn bản luật lần cuối trước khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua vào giữa tuần. Sau đó, văn bản trên sẽ được chuyển lên Tổng thống Nicholas Sarkozy ký ban hành thành luật. Luật mới sẽ tăng tuổi về hưu tối thiểu từ 60 lên 62 và tuổi được hưởng lương hưu đầy đủ từ 65 lên 67.
Dự luật cải cách hưu trí đã được thượng viện Pháp bỏ phiếu thông qua
Dự luật cải cách hưu trí đã được thượng viện Pháp bỏ phiếu thông qua
Chính phủ cho biết cải cách này là cần thiết để cứu vãn hệ thống hưu trí đang ngập trong nợ nần khỏi bị sụp đổ. Tuy nhiên, các nghiệp đoàn cho rằng tuổi về hưu 60 đã là một quyền quá khó khăn với họ và cải cách của chính phủ là không công bằng với các công nhân. Các cuộc biểu tình do các công đoàn phát động, mặc dù tất cả các ngành nghề trong xã hội đều có đại diện, trong đó có cả học sinh phổ thông.
Dự luật gây tranh cãi trên đã làm cho nước Pháp rơi vào khủng hoảng trong gần 1 tuần qua
Dự luật gây tranh cãi trên đã làm cho nước Pháp rơi vào khủng hoảng trong gần 1 tuần qua
Mặc dù làn sóng biểu tình đã có dấu hiệu "hạ nhiệt," song nguồn tin mới nhất cho biết giới công đoàn Pháp dự định sẽ tiến hành hai đợt biểu tình mới vào ngày 28-10 và 6-11 tới. Nhiều học sinh, sinh viên Pháp cũng khẳng định tiếp tục tham gia biểu tình bất chấp kỳ nghỉ Toussaint đến gần. Các nghiệp đoàn hiện đang phong tỏa tổng cộng 12 nhà máy lọc dầu ở Pháp trong một động thái làm thay đổi quan điểm của chính phủ. Hơn 2.000 trạm xăng trên khắp nước đã cạn kiệt. Cảnh sát đã đẩy lùi người biểu tình khỏi hai kho nhiên liệu ở Toulouse và Grand Quevilly. Trong khi đó, Thủ tướng Francois Fillon cho hay phải mất nhiều ngày nguồn cung cấp năng lượng mới trở lại bình thường. Còn Bộ trưởng Giao thông Jean-Louis Borloo cho biết hiện chưa có kế hoạch phân phối nhiên liệu trên toàn quốc, nhưng 2 quận miền bắc đang đưa ra giới hạn lượng xăng các lái xe có thể mua. 
Giờ đây, những người phản đối dự luật chỉ còn cơ hội đệ trình phản đối của họ lên tòa án hiến pháp, trước khi dự luật trở thành luật.
G.N (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc