Hội nghị trực tuyến toàn quốc về cải cách thủ tục hành chính:
Lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo đối với kết quả cải cách
Theo đánh giá chung của Văn phòng Chính phủ, công tác cải cách TTHC đã có những chuyển biến về chất, chất lượng các TTHC mới ban hành được nâng cao, việc cập nhật và công khai quy định về TTHC từng bước có chuyển biến tích cực. Báo cáo tổng hợp của Văn phòng Chính phủ về tình hình thực hiện công tác kiểm soát TTHC và thực thi giai đoạn 3 của Đề án 30 tại các bộ ngành, địa phương cho biết, thực thi 25 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của các bộ, ngành nêu rõ, tính đến 30-6-2011, các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền và dự thảo văn bản trình cấp có thẩm quyền để đơn giản hóa 3.037 TTHC trên tổng số 4.800 thủ tục phải đơn giản hóa, đạt tỷ lệ 63%. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chủ động ban hành văn bản thuộc thẩm quyền để thực thi phương án đơn giản hóa của 3.636 TTHC đang được thực hiện tại các sở ngành, quận huyện, xã phường. 24/24 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã triển khai việc thành lập Phòng Kiểm soát TTHC hoặc bộ phận kiểm soát TTHC đặt tại văn phòng bộ, ngành, UBND cấp tỉnh.
Ảnh: chinhphu.vn |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chậm trễ hoặc thực hiện chưa nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc công bố, công khai và minh bạch TTHC, cập nhật những TTHC này trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, đánh giá tác động các quy định về TTHC trong các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, thực thi các phương án đơn giản hóa TTHC, chế độ thông tin báo cáo…
Trong phần thảo luận của các bộ, ngành, địa phương, hầu hết các bài học kinh nghiệm cũng như các kiến nghị qua thực tế triển khai đều nhấn mạnh đến vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo, đôn đốc, sát sao của lãnh đạo các đơn vị cũng như hiệu quả của công tác truyền thông đối với cải cách hành chính. Đề cập đến vấn đề đạo đức công vụ, theo ý kiến của đại diện một số điểm cầu, cải cách hành chính suy cho cùng là do con người, điều này có liên quan đến tác phong, thái độ, trách nhiệm và trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức. Cho nên đạo đức công vụ cần phải trở thành tiêu chí đánh giá, nội dung trong xét thi đua khen thưởng. Bàn sâu hơn về hiệu ứng lan truyền của cải cách TTHC, đại diện lãnh đạo của điểm cầu TP. Hồ Chí Minh cho rằng hiện cải cách TTHC mới được đề cập cũng như thực hiện nhiều ở mối quan hệ giữa cơ quan Nhà nước và người dân, doanh nghiệp còn giữa các cơ quan Nhà nước với nhau chưa được chú trọng, trong khi đó điều này lại có ảnh hưởng lớn đến thời gian, tiến độ giải quyết, xử lý các TTHC. Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định rõ hơn: Phải có sự phối kết hợp giữa các bộ ngành, rút ngắn được thời gian giải quyết các thủ tục để cải cách ngày một thực chất. Đề cập đến nội dung cải cách TTHC trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, theo đại biểu cải cách TTHC gắn với hiện đại hóa, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, có như vậy mới thực hiện tốt một cửa quốc gia, một cửa ASEAN.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: chinhphu.vn) |
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Các bộ ngành, địa phương cần coi cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của đơn vị mình. Các cán bộ chuyên môn cũng phải xác định đây là nhiệm vụ chung của cán bộ, công chức chứ không phải riêng của cơ quan kiểm soát TTHC. Cải cách TTHC không đơn giản là sửa đổi được bao nhiêu quy định mà cốt lõi là những sửa đổi này phải đi vào cuộc sống, giảm thiểu gánh nặng, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo đối với kết quả cải cách.
Đàm Thuần (Theo chinhphu.vn)
Ý kiến bạn đọc