Multimedia Đọc Báo in

Hội thảo về Dự án Luật Đo lường

16:12, 12/09/2011
Ngày 12-9, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội thảo về Dự án Luật Đo lường. Hội thảo lần này có sự tham gia đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực đo lường của Quốc hội, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Hội Đo lường Việt Nam, lãnh đạo các ngành liên quan của các tỉnh khu vực Tây Nguyên, tỉnh Phú Yên, Bình Phước.

Dự án Luật Đo lường do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì soạn thảo, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì thẩm tra. Dự thảo đã được Chính phủ trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 8-2010) Quốc hội khoá XII.

 

Với 8 chương, 57 điều quy định về hoạt động đo lường; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo lường, Dự án Luật nhằm điều chỉnh hoạt động đo lường một cách thống nhất và chính xác, góp phần bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong giao dịch kinh tế, dân sự, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Nội dung cơ bản của Dự án Luật Đo lường gồm: Những quy định chung; đơn vị đo, chuẩn đo lường; phương tiện đo; phê duyệt mẫu, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm chuẩn đo lường, phương tiện đo; phép đo, lượng của hàng đóng gói sẵn; quyền và nghĩa vụ tổ chức, cá nhân trong hoạt động đo lường; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về đo lường; trách nhiệm nhà nước về đo lường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dak Lak phát biểu ý kiến tại Hội thảo
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dak Lak Trần Hiếu phát biểu ý kiến tại Hội thảo

Hội thảo đã thu hút các nhà khoa học, chuyên gia đóng góp nhiều nội dung, ý kiến quan trọng xoay quanh 4 nhóm nội dung chính: phạm vi, đối tượng; chính sách của Nhà nước; kiểm tra, thanh tra xử lý; quản lý Nhà nước về đo lường. Theo đánh giá chung Dự án Luật Đo lường đã được soạn thảo theo tinh thần là một luật khung. Với dung lượng 8 chương và gồm tất cả 57 điều là vừa phải với một luật có tính chuyên ngành cao về một lĩnh vực khoa học công nghệ cụ thể nhưng liên quan mật thiết đến đời sống của đông đảo nhân dân. Dự án Luật đã đề cập toàn diện đến các vấn đề của lĩnh vực đo lường như đơn vị đo, chuẩn đo lường; phương tiện đo; phép đo; hàng đóng gói sẵn; nguyên tắc hoạt động đo lường; chính sách của Nhà nước về đo lường… mà tựu trung có thể chia ra làm 3 mảng lớn: đo lường khoa học, đo lường công nghiệp và đo lường pháp định. Đặc biệt Dự án Luật đã đề cập đến nhiều vấn đề mới như chính sách của Nhà nước về đo lường; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng nhất là quyền và nghĩa vụ của tổ chức xã hội nghề nghiệp về đo lường và đặc biệt là kiểm tra Nhà nước về đo lường. Tuy nhiên theo các đại biểu, còn có một số nội dung phân tán, có nội dung, thuật ngữ chưa thật rõ ràng, minh bạch cần có sự phân tích, nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp và sát thực hơn như: vấn đề chất chuẩn, quản lý phương tiện đo, vấn đề phí và chi phí…

Dự kiến Dự án Luật sẽ được tiến hành biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 11-2011) Quốc hội khoá XIII.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc