Các kiến nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) cần sớm được hiện thực hóa
Giai đoạn 2 của Đề án 30 kết thúc bước đầu giải quyết được những bức xúc nổi cộm của người dân trong việc thực hiện các TTHC. Tuy nhiên, điều mà họ đang trông đợi chính là giai đoạn thực thi để những kiến nghị đơn giản hóa các TTHC sớm đi vào cuộc sống.
Trung tâm giới thiệu việc làm Thanh niên TP. Hồ Chí Minh - mô hình điển hình về cải cách hành chính. Ảnh: TTXVN |
Như phân tích của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, các TTHC là công cụ để quản lý Nhà nước nhưng công cụ đó phải bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Vì vậy, muốn có một công cụ quản lý tốt phù hợp với sự phát triển, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp thì TTHC đó không chỉ đơn giản là giảm thiểu chi phí thực hiện mà còn thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Mục tiêu lớn nhất của Đề án 30 là đơn giản hóa và hủy bỏ những TTHC không hợp pháp, hợp lý, không cần thiết nhằm lành mạnh hóa hoạt động của nền hành chính quốc gia, dần dần chấm dứt sự phiền hà, sách nhiễu của một bộ phận cán bộ công chức, đang cản trở sự phát triển chung của đất nước.
Đến nay, Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ đã nhận được rất nhiều phương án đơn giản hóa TTHC của các bộ, ngành, địa phương. Nhiều phương án kiến nghị, đơn giản hóa của các địa phương, bộ, ngành đối với hơn 5.600 TTHC chung hiện nay, phản ánh những bất hợp lý của các TTHC đang áp dụng, cần sớm được thực thi. Với yêu cầu đặt ra trong quá trình đơn giản hóa TTHC là làm thế nào tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp nhưng cũng bảo đảm công tác quản lý Nhà nước chặt chẽ, không tạo ra những khe hở để cho một số đối tượng lợi dụng. Chính vì vậy, việc sớm hiện thực hóa các kiến nghị đơn giản hóa TTHC của các bộ ngành, địa phương hiện nay để có thể nhanh chóng đi vào cuộc sống và kiểm nghiệm xem cuộc sống chấp nhận như thế nào được xem là nhiệm vụ trọng tâm và là yếu tố quyết định cho sự thành công của Đề án này. Vì vậy, Tổ công tác chuyên trách đang trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết về đơn giản hóa 259 TTHC ưu tiên thuộc phạm vi, chức năng quản lý của các bộ, ngành Trung ương. Sau đó, sẽ trình tiếp 24 Nghị quyết về phương án đơn giản hóa TTHC đối với 24 bộ, ngành và trình Chính phủ 1 Nghị định về kiểm soát TTHC, nhằm không để phát sinh các TTHC không hợp pháp, hợp lý, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Để đẩy mạnh quá trình “hiện thực hóa”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, Tổ công tác chuyên trách sẽ kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tiến hành sửa đổi, bổ sung hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với thực tiễn. Cụ thể là sẽ áp dụng hình thức “một luật sửa nhiều luật”, “một văn bản sửa nhiều văn bản” để có thể áp dụng ngay vào cuộc sống. Mục tiêu là đến ngày 31-12-2010, khi Đề án 30 kết thúc, không chỉ triển khai thành công giai đoạn thực thi mà còn làm thế nào để duy trì những thành quả đạt được, các công việc liên quan đến đơn giản hóa TTHC sẽ vẫn được thực hiện tích cực, thường xuyên.
Báo cáo kết quả rà soát của 24 bộ, ngành, 63 tỉnh thành trong cả nước cho thấy đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả rà soát và kiến nghị đơn giản hóa TTHC của giai đoạn 2 được thực hiện trên cả 2 tiêu chí quan trọng là giảm tối thiểu 30% số TTHC và cắt giảm 30% chi phí tuân thủ TTHC. Qua thống kê, hầu hết các tỉnh thành, bộ, ngành đều có tỷ lệ cắt giảm TTHC vượt chỉ tiêu 30% . Theo đó, chi phí tuân thủ TTHC được cắt giảm mỗi năm ước trên 30.000 tỷ đồng. Đây là nguồn lực quan trọng giúp người dân và doanh nghiệp đầu tư và tái sản xuất, tiếp tục nâng cao niềm tin của nhân dân với bộ máy nhà nước và nền hành chính quốc gia. |
Ý kiến bạn đọc