Tiếp tục nâng cao hiệu quả và vai trò của doanh nghiệp Nhà nước
Vừa qua, Bộ Chính trị đã có kết luận sau khi nghe đoàn kiểm tra Trung ương báo cáo kết quả kiểm tra thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, Trung ương 9 (khóa IX) và Nghị quyết ại hội X của Đảng về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính báo cáo Đề án "Tiếp tục củng cố, phát huy vai trò của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước".
Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết của Trung ương và sự chỉ đạo của Chính phủ để nâng cao hiệu quả và vai trò của doanh nghiệp Nhà nước. Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu như: Tiếp tục quán triệt sâu sắc các nội dung của Nghị quyết Trung ương 3, Trung ương 9 (khóa IX), Nghị quyết Đại hội X của Đảng và các kết luận của Bộ Chính trị, tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị và trong xã hội về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng phát triển và các giải pháp nhằm đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả và vị trí của doanh nghiệp nhà nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong giai đoạn tới. Sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đầy đủ và đồng bộ, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp nhà nước hoạt động, đồng thời tạo sự cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác; tiếp tục đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và đổi mới hoạt động của bản thân doanh nghiệp nhà nước. Đánh giá toàn diện hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; sớm hoàn thành việc đánh giá lại giá trị vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và việc xử lý nợ trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, có biện pháp làm lành mạnh tình hình tài chính doanh nghiệp. Đẩy mạnh sắp xếp doanh nghiệp nhà nước theo hướng doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào những ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt mà Nhà nước cần nắm giữ, chi phối. Kiên quyết sắp xếp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động không hiệu quả, làm ăn thua lỗ kéo dài, không có khả năng khôi phục; chấn chỉnh tình trạng tập đoàn, tổng công ty mở quá rộng ngành nghề mới nhưng không liên quan đến ngành nghề chính, không góp phần làm cho ngành nghề chính lớn mạnh mà còn làm cho nguồn lực tập đoàn, tổng công ty bị phân tán, mang nhiều rủi ro trong kinh doanh. Tổ chức, sắp xếp các tổng công ty nhà nước theo ngành, lĩnh vực trọng yếu để thành lập các tổng công ty nhà nước đủ mạnh và tiếp tục thí điểm các tập đoàn đang có. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giỏi ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, có cơ chế đãi ngộ, thu hút những người quản lý giỏi tham gia điều hành doanh nghiệp, mở rộng các hình thức hợp đồng thuê các cán bộ quản lý giỏi đã nghỉ hưu. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo quản lý, kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước, kịp thời phát hiện những vấn đề nảy sinh để xử lý có hiệu quả. Hàng năm, sơ kết, đánh giá việc thực hiện, trong đó chú trọng làm rõ trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chức năng quản lý và giám sát vốn và tài sản nhà nước, trách nhiệm của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, của từng doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là của cá nhân người đứng đầu các cơ quan này, có biện pháp xử lý sai phạm theo quy định của pháp luật.
Ý kiến bạn đọc