Multimedia Đọc Báo in

Triển lãm - Liên hoan thư pháp: Dấu ấn 1000 năm

15:04, 05/10/2010

Đón chào thời khắc thiêng liêng của Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 tuổi, ngày 4-10, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm - Liên hoan Thư pháp Thăng Long - Hà Nội.

Thư pháp là một loạt hình nghệ thuật truyền thống độc đáo, được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm cùng với chữ Hán. Thư pháp đề cao các phép tắc dùng bút lông (chấm bút, vận bút, kết thể, kết tự, chương pháp, thần vận) để viết chữ Hán theo các thể: Triện, Lệ, Hành, Khải, Thảo. Người viết thư pháp tài hoa là không chỉ thể hiện được tính Triết học, Thiền học, Mỹ học mà còn truyền tải tới người thưởng ngoạn những mỹ cảm sinh động của Khí - Vận (Cương - Nhu) qua từng nét chữ.

Múa chào mừng Lễ khai mạc
Múa chào mừng Lễ khai mạc


Triển lãm Thư pháp giới thiệu hơn 250 bức thư pháp, thư họa được gần 50 thư pháp gia thuộc mọi thế hệ (từ 25 tuổi đến 90 tuổi) đến từ nhiều miền thể hiện theo các phong cách và chất liệu. Với chủ đề: Văn hiến Thăng Long - Hà Nội, các nét chữ thể hiện mảnh đất ở nơi trung tâm của trời đất, qua hình thế rồng cuộn, hổ ngồi. Những bức thư pháp kể chuyện 1000 năm Thăng Long - Hà Nội như những khúc ca vừa hào hùng, vừa bi tráng, khi rạng rỡ, huy hoàng, lúc u buồn tĩnh lặng rồi lại bừng lên chói sáng, vinh quang. Chủ đề giáo dục khoa cử được thể hiện trong chữ Nhân - Nghĩa. Người Việt xưa nay luôn lấy chữ Lễ làm đầu, coi trọng hiền tài như nguyên khí quốc gia. Chính vì vậy mà nghiệp học hành khoa cử ngày nay chữ Đức, Trung, Hiếu, Trí, Tín được đặt cùng với Nhân - Nghĩa là thế. Trải qua 1000 năm văn hiến, nền giáo dục Thăng Long - Hà Nội được thể hiện rõ nét trong hệ thống trường học, trường thi, những hoành phi câu đối, đại tự, thư pháp vô giá ấy. Chủ đề Cảnh đẹp Thăng Long lại là những nét bút phóng khoáng, mềm mại, khi lại sừng sững hiên ngang mang dáng hình của một vùng đất có vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc với những con người thanh lịch, tao nhã. Vẻ đẹp trong từng nét chữ, áng văn, câu thơ rạng rỡ, tươi mới của mùa xuân; xanh biếc lung linh sau cơn mưa mùa hạ; khi lại u tịch, trầm mặc như mùa đông và huyền ảo, quyến luyến như mỗi độ thu sang... Tất cả đã trở thành nguồn thi hứng bất tận khiến những bậc đế vương, tao nhân mặc khách phải sững sờ hạ bút thành thơ.

 

Thi viết câu đối
Thi viết câu đối
Người đáp lại vế đối
Người đáp lại vế đối
Câu đối hoàn chỉnh
Câu đối hoàn chỉnh


Các tác phẩm được các thư pháp gia thuộc mọi thế hệ thể hiện theo nhiều phong cách khác nhau, trên các chất liệu đa dạng: Giấy dó, xuyến chỉ, gỗ, đồng, gốm sứ, hoa tươi... Trong đó, nhiều tác phẩm lần đầu ra mắt công chúng như: Bức thư pháp Chiếu dời đô bằng đồng; Cuốn sách Bình Ngô Đại Cáo nặng 200kg, dài 1,6m, rộng 1,1m; Bức Ngũ bình sơn mài chạm khắc phong cảnh thủ đô và những áng văn thơ nổi tiếng về Hà Nội; Các bức thư pháp trên gốm, hoành phi, câu đối, hiện vật độc đáo...

Phá cường địch báo hoàng ân
Viết câu đối "Phá cường địch báo hoàng ân"
Một góc triển lãm
Một góc triển lãm

Cũng tại buổi khai mạc Triển lãm - liên hoan thư pháp này, các màn trình diễn viết thư pháp đặc sắc gắn với các tích truyện lịch sử đã được sân khấu hóa như: màn viết chữ "Phá cường địch, báo Hoàng Ân" trên lá cờ lớn nhằm tái hiện lại khung cảnh Trần Quốc Toản ra quân; màn trình diễn viết chữ "Tả thanh thiên" trên Tháp bút, viết đối chữ, viết trên gốm, trên quạt, chạm khắc chữ gỗ, cho chữ thư pháp...

 
Dẫn lễ rước bằng công nhận
Dẫn lễ rước bằng công nhận


Trước lễ khai mạc, công chúng cũng được chứng kiến Lễ rước long trọng Bằng công nhận 82 tấm bia Tiến sĩ là Di sản Tư liệu Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nam Hà

 


Ý kiến bạn đọc