Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII: Tiếp tục nâng cao nhận thức phòng chống tham nhũng
09:25, 08/11/2010
Ngày 5 và 6-11, Quốc hội đã nghe và thảo luận các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; báo cáo của Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chánh án TAND tối cao; công tác thi hành án.... trong đó kết hợp thảo luận về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2010. Các đại biểu cũng thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Thủ đô được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2010, các cơ quan chức năng đã khởi tố 188 vụ án với 373 bị can về các tội danh tham nhũng (giảm 23% số vụ án và giảm 28% số bị can so với cùng kỳ năm trước). Viện KSND các cấp đã truy tố 253 vụ với 631 bị can (giảm 13% số vụ và giảm 10% số bị can cùng kỳ năm trước). TAND các cấp xét xử sơ thẩm 211 vụ án với 479 bị cáo (giảm 8% số vụ và 11% số bị cáo cùng kỳ năm trước). Tổng giá trị tài sản bị tham nhũng, gây thiệt hại do tham nhũng phát hiện được là 193,5 tỷ đồng, 516,8ha đất; đã thu hồi được 156,4 tỷ đồng, 432,1ha đất; số còn lại đang tiếp tục thu hồi. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về vấn đề này nhận định: Tình hình tham nhũng nhìn chung vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, trong khi đó công tác phát hiện và xử lý còn ít. Các vụ tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu ở cấp cơ sở, bị can bị khởi tố là cán bộ xã phường chiếm tỷ lệ cao (nhưng số tiền chiếm đoạt không nhiều). Trong khi đó, số người bị phát hiện và khởi tố ở cấp Trung ương rất ít, song số tiền chiếm đoạt rất lớn.
Đa số các đại biểu đồng tình và tâm đắc với nhiều nội dung báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc hội. Các đại biểu cho rằng, các báo cáo này là rất thẳng thắn, xác đáng phù hợp với thực tế tình hình.
Đóng góp các ý kiến về công tác phòng chống tham nhũng năm 2010, đại biểu Đặng Văn Xướng (Long An) cho rằng công tác tự kiểm tra phát hiện còn yếu, mới chỉ có 25 cơ quan tự kiểm tra nội bộ phát hiện được hành vi tham nhũng… thì hiệu quả của công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán như vừa qua là chưa cao. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần cân nhắc trong việc đánh giá tình hình tham nhũng trong năm 2010 vì đây là việc quan trọng để có biện pháp hiệu quả trong năm 2011. Đại biểu đồng tình và cho rằng nhiệm vụ thời gian tới là cần tiếp tục nâng cao nhận thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân mà cốt lõi là củng cố nâng lên thành niềm tin, không để cán bộ, đảng viên, nhân dân hoài nghi thờ ơ với quyết tâm chính trị mục tiêu ngăn ngừa tham nhũng của Đảng, Nhà nước.
Về công tác phòng ngừa chống vi phạm pháp luật và tội phạm, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng, việc quản lý văn hóa xã hội thiếu chặt chẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm gia tăng. Theo đại biểu, cần tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh có điều kiện dễ vi phạm pháp luật như quản lý kinh doanh games online, hoạt động biểu diễn nghệ thuật và trình diễn… là những lĩnh vực nhạy cảm và ảnh hưởng trực tiếp đến giới trẻ.
Thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô, đa số các đại biểu đều tán thành về sự cần thiết phải ban hành một đạo luật với những cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng với danh hiệu là Trái tim của cả nước. Dự thảo Luật Thủ đô gồm 4 Chương, 35 Điều, được xây dựng trên cơ sở quán triệt Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 15/12/2000 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô thời kỳ 2001-2010; kết quả tổng kết 9 năm thực hiện Pháp lệnh Thủ đô và tham khảo pháp luật về Thủ đô của một số nước trên thế giới.
Đi vào những vấn đề cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho rằng, cần nghiên cứu kỹ quy định “Áp dụng mức xử phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính ở nội thành cao hơn mức xử phạt áp dụng chung cho cả nước trong lĩnh vực văn hóa, đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông vận tải và cư trú”. Theo đại biểu, cần nghiên cứu nếu quy định mức phạt cao hơn thì không chỉ dừng lại ở 6 lĩnh vực trên, bởi với tốc độ đô thị hoá nhanh như hiện nay, chắc chắn sẽ có thêm nhiều vấn đề khác nảy sinh ngoài những lĩnh vực trên.
Quan điểm của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về vấn đề trên cũng cho rằng, việc áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn mức quy định chung của cả nước nhằm mục đích chấn chỉnh công tác quản lý đô thị, răn đe để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô như trong Tờ trình của Chính phủ là chưa thuyết phục. Lý do của Ủy ban đưa ra là, thứ nhất, phải chăng ý thức chấp hành pháp luật trên địa bàn Thủ đô kém hơn các nơi khác nên phải áp dụng mức xử phạt cao hơn? Thứ hai, tại sao lại chỉ tăng mức phạt trong 6 lĩnh vực mà không phải tất cả các lĩnh vực? Thứ ba, nếu đặt vấn đề răn đe đối với các hành vi vi phạm hành chính thì tại sao lại không đặt vấn đề áp dụng hình phạt nặng hơn đối với các hành vi phạm tội hình sự, bởi vì các hành vi này xét về tính chất nguy hiểm cho xã hội thì cao hơn rất nhiều so với các hành vi vi phạm hành chính...
Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (đoàn Hà Nội) đồng ý với ý kiến của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, nhiều quy định trong dự thảo Luật chưa phản ánh được tính đặc thù trong cơ chế, chính sách dành cho Hà Nội với tư cách là Thủ đô của cả nước; chưa đưa ra được những giải pháp cụ thể cho việc phát triển và quản lý của riêng Thủ đô. Theo đại biểu, nhiều quy định đều có thể áp dụng cho cả các địa phương khác, chẳng hạn, quy định về mục tiêu xây dựng, phát triển Hà Nội (Điều 3); quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan và trật tự xây dựng (Điều 12); quản lý và bảo vệ môi trường (Điều 20)…
Nhiều đại biểu tán thành các nội dung dự thảo Luật nêu ra cần phải được bảo đảm đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng, dịch vụ… Về mặt quốc phòng, an ninh, đây là địa bàn đặc biệt quan trọng không thể để xảy ra bất kỳ những biến cố bất thường nào. Vì vậy, Hà Nội cần phải được bảo đảm đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng, dịch vụ, quốc phòng, an ninh để làm tròn chức năng Thủ đô của cả nước. Trách nhiệm này không những thuộc về chính quyền Hà Nội mà còn của Trung ương.
H.T
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc