Phổ biến thông tin một số Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam tham gia cho các tỉnh Tây Nguyên
19:03, 25/03/2016
Ngày 25-3 tại TP. Pleiku (Gia Lai), Bộ Công thương phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị phổ biến thông tin về một số Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia cho các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp (DN) các tỉnh Tây Nguyên.
Tham dự về phía tỉnh Đắk Lắk có Phó Chủ tịch Thường trực UBND Y Dhăm Ênuôl và đại diện các sở, ngành liên quan.
FTA là kết quả chính thức của một quá trình thương lượng giữa hai hay nhiều quốc gia ký kết nhằm hạ thấp hoặc loại hẳn các rào cản đối với thương mại. Một FTA bao gồm những vấn đề việc cắt giảm các hàng rào thuế quan và phi thuế quan; quy định danh mục mặt hàng đưa vào cắt giảm thuế quan; quy định lộ trình cắt giảm thuế quan; quy định về quy tắc xuất xứ và một số nội dung khác đề cập tới vấn đề tự do hóa trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, các biện pháp hạn chế định lượng, các rào cản kỹ thuật, quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, mua sắm chính phủ, lao động, bảo hiểm và môi trường… Việt Nam hiện đang tham gia tất cả 16 FTA, trong đó có 9 FTA đã có hiệu lực, 1 FTA đã ký nhưng chưa có hiệu lực, 2 FTA đã kết thúc đàm phán và 4 FTA đang đàm phán.
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Tại hội nghị, các đại biểu đã được thông tin một số nội dung cơ bản của các FTA quan trọng như: Việt Nam – EU (VN-EU FTA); Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); FTA Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu (VN-EAEU FTA). Với việc hoàn tất ký kết TPP sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do (FTA) lớn nhất từ trước đến nay, với tổng GDP lên tới 28 nghìn tỷ USD (40% GDP và khoảng 30% tổng thương mại toàn cầu). TPP có phạm vi điều chỉnh rất rộng, bao gồm không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các lĩnh vực phi truyền thống như cạnh tranh, thương mại và môi trường, thương mại và lao động. Trong khi đó, VN-EU FTA cũng mở ra cơ hội lớn với một thị trường gồm 28 nước thành viên, có tổng GDP trên 15 nghìn tỷ USD, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 3.800 tỷ USD...
Với việc gia nhập sâu vào các FTA, Bộ Công thương khuyến nghị các địa phương cần nhận biết được xu hướng tác động của FTA đến địa phương và các DN trên địa bàn; quy hoạch, định hướng, giúp DN chuyển đổi cơ cấu sản xuất để phù hợp với môi trường kinh doanh đang biến đổi bởi các FTA; phối hợp với các bộ, ngành đưa thông tin đến DN; đẩy mạnh cải cách hành chính. Với DN, phải tìm hiểu những nội dung cam kết liên quan đến mặt hàng của mình trên các khía cạnh như thuế quan, quy tắc ứng xử, biện pháp kỹ thuật, biện pháp phòng vệ; đánh giá được tác động của các cam kết đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN mình.
Việc tiếp cận thông tin về các hiệp định nói trên góp phần quan trọng để các địa phương và doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên chuyển đổi cơ cấu, mô hình tăng trưởng phù hợp trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương, đơn vị mình để làm sao tận dụng tối đa lợi thế và giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình hội nhập.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc