Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch Covid-19
21:04, 09/05/2020
Sáng 9-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với doanh nghiệp (DN) cả nước nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch Covid-19.
Tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk có các đồng chí: Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Ngọc Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và DN…
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo đánh về những khó khăn, thách thức và nỗ lực của các DN ứng phó với dịch Covid-19; tình hình thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ ứng phó với dịch Covid-19; nguy cơ, cảnh báo và cơ hội phục hồi phát triển. Theo đó, doanh thu của các DN trong quý I năm 2020 giảm mạnh xuống còn 74,1% so với cùng kỳ năm trước và dự báo cả năm 2020 sẽ bị sụt giảm mạnh. Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư bị đình trệ, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các quý, năm tiếp theo. Nhiều DN đã tạm ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, nhất là DN vừa và nhỏ; số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 33,6%, số DN thành lập mới giảm 13,2%so với cùng kỳ năm 2019.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh chụp qua màn hình). |
Kết quả khảo sát gần 130 nghìn DN của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy: khoảng 86% số DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19; gần 58% số DN bị giảm mạnh về thị trường tiêu thụ sản phẩm; có trên 45% số DN đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh; gần 30% số DN áp dụng giải pháp cắt giảm lao động; trên 21% số DN cho lao động nghỉ không lương và gần 19% DN giảm lương lao động. Thu hút đầu tư nước ngoài trong quý I cũng bị giảm cả về số lượng và tổng vốn đầu tư đăng ký; thị trường chứng khoán bị sụt giảm mạnh…
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường (phải) và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì tại điểm cầu Đắk Lắk. Ảnh: Hoàng Gia |
Tuy nhiên, cộng đồng DN Việt Nam đã và đang phát huy tinh thần vượt khó, nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh, chủ động các giải pháp tự cứu mình. Nhiều sáng kiến đã được các DN triển khai như: áp dụng giờ làm linh hoạt; cắt giảm chi phí sản xuất; tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên, vật liệu thay thế và thị trường tiêu thị sản phẩm; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh…
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk. Ảnh: H.Gia |
Hội nghị đã dành nhiều thời gian để các đại biểu thảo luận, cho ý kiến, đề xuất nhiều giải pháp về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho các DN bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trong thời gian tới. Cụ thể là rà soát, cắt giảm và không tạo rào cản về thủ tục hành chính, pháp lý cho DN; đổi mới mạnh mẽ quan điểm, phương pháp tiếp cận khi xây dựng các chính sách liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh; phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy và xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị mới; kích cầu phát triển thị trường nội địa; đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch, xúc tiến thương mại, đầu tư; nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, phát triển nhân lực, khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; cắt, giảm các loại phí và cung ứng nguồn vốn giúp DN phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Đại diện UBND tỉnh, các sở, ngành và một số doanh nghiệp trên địa tỉnh theo dõi hội nghị tại Hội trường số 2 trụ sở HĐND, UBND tỉnh. Ảnh: H.Gia |
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác phối hợp theo dõi, thực hiện kế hoạch về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tập trung tìm kiếm thị trường mới; áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ 4.0; thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp; chú trọng công tác đối ngoại, xuất nhập khẩu, thương mại; tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tập trung phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực. Các bộ, ngành, địa phương cần có những chương trình hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh ở địa phương mình, thực hiện nhất quán và triệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung giải quyết các "điểm nghẽn", bất cập làm cản trở DN phát triển.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu cộng đồng DN cần nêu cao tinh thần dân tộc, phát huy tính chủ động, nỗ lực vượt qua khó khăn và tăng cường liên kết, hỗ trợ giúp đỡ nhau.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc