Multimedia Đọc Báo in

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh

23:30, 24/10/2010

Trong xu thế hội nhập hiện nay, công nghệ thông tin (CNTT) được coi là công cụ hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Không chỉ là  một kênh thông tin, quảng bá sản phẩm hàng hóa và xúc tiến thương mại hiệu quả, CNTT còn tạo môi trường giao dịch kinh doanh hết sức thuận tiện, nơi doanh nghiệp có thể mua/bán hàng, thanh toán, đóng thuế và khai báo hải quan qua mạng Internet… Mặc dù CNTT quan trọng và cần thiết như vậy song hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực sự chú trọng ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Theo kết quả khảo sát của Sở Thông tin và Truyền thông tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, phần lớn các doanh nghiệp không phủ nhận vai trò quan trọng của CNTT nhưng vẫn chưa nhận thức một cách đầy đủ về lợi ích của việc ứng dụng CNTT, tác động của CNTT tới quá trình sản xuất kinh doanh ra sao. Hầu hết các doanh nghiệp đều trang bị máy tính nhưng số máy của mỗi đơn vị không nhiều và chất lượng chưa cao, chưa chú trọng kết nối Internet; một số doanh nghiệp sử dụng Internet chủ yếu chỉ để  tìm kiếm thông tin và… giải trí. Rất ít doanh nghiệp lập website để xây dựng, quảng bá thương hiệu và tìm bạn hàng… Việc ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh  vẫn chiếm tỉ lệ khá thấp, chỉ có khoảng 13% doanh nghiệp sử dụng email, 5% doanh nghiệp có website, 49% doanh nghiệp sử dụng phần mềm kế toán, 14% doanh nghiệp sử dụng phần mềm quản lý nhân sự, 9% doanh nghiệp sử dụng phần mềm quản lý bán hàng và 3% sử dụng phần mềm quản lý khách hàng. Đặc biệt, không có doanh nghiệp nào trên địa bàn tỉnh sử dụng phương pháp kinh doanh thương mại điện tử. Là một xu hướng tất yếu trong thời hội nhập, thương mại điện tử bao gồm một loạt các các hoạt động kinh doanh trực tuyến đối với các sản phẩm và dịch vụ, giữa các doanh nghiệp cũng như giữa doanh nghiệp với khách hàng thông qua Internet. Thương mại điện tử có thể giúp doanh nghiệp nắm được thông tin phong phú về thị trường và đối tác, giảm chi phí sản xuất, chi phí bán hàng, tiếp thị, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm tiếp cận nền kinh tế số hóa…

Mặt khác, nhân lực có trình độ CNTT ở các doanh nghiệp còn thiếu và yếu: chỉ có khoảng 3% số doanh nghiệp có bộ phận chuyên trách về CNTT, 5% doanh nghiệp có nhân viên chuyên trách về CNTT và số nhân viên có trình độ Đại học, Cao đẳng về CNTT mới đạt được khoảng 8%. Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa có chiến lược, kế hoạch cho việc ứng dụng CNTT ngắn và dài hạn; thậm chí lãnh đạo và nhân viên của nhiều doanh nghiệp chưa thật quan tâm và rất ngại ứng dụng CNTT vào sản xuất kinh doanh.  Nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng trang bị máy tính, phần cứng, phần mềm và nguồn nhân lực đủ mạnh để vừa có thể quản trị vừa có thể đẩy mạnh ứng dụng CNTT bởi ngại chi phí cao, khó quản trị, mắc nhiều lỗi về bảo mật, rủi ro…

Có thể nói, trong thời gian qua, phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mới ứng dụng CNTT một cách tự phát, không hệ thống và thiếu chiến lược dài hạn cũng như chưa có một giải pháp tổng thể. Các doanh nghiệp còn thiếu chủ động trong việc  thực hiện xây dựng doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp điện tử. Cơ cấu đầu tư cho CNTT tại các doanh nghiệp chưa cân đối, chủ yếu đầu tư cho các thiết bị phần cứng chưa chú trọng đầu tư các hệ thống phần mềm. Ngoài ra, tỉnh ta cũng chưa có những cơ quan tư vấn có uy tín để làm cầu nối giữa doanh nghiệp sử dụng và nhà cung cấp dịch vụ CNTT; chưa có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng CNTT…

Bá Thăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.