Multimedia Đọc Báo in

Giao khoán bảo vệ rừng ở xã Ea H’Mlay (huyện M’Drak): Còn lắm băn khoăn

08:18, 24/10/2010

Năm 2007, 10 hộ đồng bào dân tộc thiểu số của xã Ea H’Mlay (huyện M’Drak) được chọn thí điểm thực hiện giao khoán, bảo vệ 348 ha rừng tự nhiên tại tiểu khu 722 theo Quyết định 304/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù đã đạt được một số kết quả, song việc thực hiện giao khoán, bảo vệ rừng ở đây vẫn còn nhiều vướng mắc.

Từ kết quả bước đầu
10 hộ được giao khoán, bảo vệ rừng nói trên là đồng bào dân tộc  thiểu số các tỉnh phía bắc di cư vào sinh sống, tập trung ở các thôn 4, 5, 7, 8, 9 và 10. Đây là những hộ có đông lao động và cư trú ở những địa bàn nhiều diện tích rừng tự nhiên. Các hộ trên được chia thành 3 tổ, mỗi tổ đều có tổ trưởng và các thành viên luân phiên tuần tra, bảo vệ diện tích rừng đã nhận khoán. Theo chân một tổ tuần tra, bảo vệ rừng do ông Hoàng Văn Thanh (thôn 7) làm tổ trưởng, chúng tôi cũng phần nào cảm nhận được sự vất vả, nhọc nhằn của những người làm nghề rừng như ông. Hành trang đi rừng của họ khá đơn giản, chỉ có dao chặt, một bình nước và phương tiện liên lạc. Trên đường đi, vừa phát dọn dây leo, cành khô mở lối, tổ của ông Thanh vừa phải tập trung theo dõi dấu vết khả nghi của lâm tặc để kịp thời báo cho Ban quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng của xã biết và xử lý. Ông Thanh chia sẻ: “Khi nhận khoán bảo vệ rừng, mặc dù biết công việc vất vả, nhưng chúng tôi thấy vui vì mình đã đóng góp công sức cùng Nhà nước giữ rừng và hy vọng sẽ có cuộc sống ổn định hơn nhờ rừng”. Ông Nguyễn Ngọc Định, thành viên Ban quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng xã đánh giá: Diện tích rừng trên địa bàn xã khá nhiều, lại phân bố trên diện rộng, trong khi đó lực lượng quản lý, bảo vệ rất mỏng nên trước đây tình trạng chặt phá trái phép xảy ra thường xuyên. Từ khi có quyết định giao khoán, bảo vệ rừng cho người dân, tình trạng khai thác rừng trái phép tại tiểu khu 722 giảm hẳn.

Tuần tra bảo vệ rừng tại Tiểu khu 722 (xã Ea H'Mlay, huyện M'Drak).
Tuần tra bảo vệ rừng tại Tiểu khu 722 (xã Ea H'Mlay, huyện M'Drak).

Đến những băn khoăn
Theo Quyết định 304/2005/QĐ-TTG của Chính phủ, ngoài việc được hưởng toàn bộ lâm sản phụ khai thác theo qui định, người nhận khoán, bảo vệ rừng còn được hỗ trợ một khoản tiền công và gạo trong thời gian đầu; được hỗ trợ giống cây trồng và nếu là hộ thuộc đối tượng 132, 134 còn được hỗ trợ tiền khai hoang, nước sinh hoạt, làm nhà ở… Theo đó, lẽ ra 10 hộ thuộc diện nghèo, thiếu đất sản xuất của xã Ea H’Mlay nhận giao khoán, bảo vệ rừng, mỗi năm được hỗ trợ 10 kg gạo/hộ trong 6 tháng và được nhận tiền công bảo vệ rừng 100 nghìn đồng/ha/năm, thế nhưng mới chỉ có 3 hộ được nhận 150 kg gạo, còn những khoản khác họ vẫn chưa được nhận riêng 7 hộ còn lại thì chưa được hưởng quyền lợi gì. Anh Vi Văn Dương, 1 trong những hộ nhận khoán rừng của xã cho biết, đã ký nhận khoán, bảo vệ rừng nên anh và các hộ khác phải thường xuyên gác lại công việc gia đình để tuần tra, bảo vệ rừng, sẽ được khai thác lâm sản phụ và được hỗ trợ, nhưng lâm sản phụ thì chẳng có gì còn các khoản khác thì vẫn chưa được nhận(!). Anh Lương Đức Chương bộc bạch: “Ban đầu mọi người cũng hào hứng lắm, nhưng nói thật là sau gần 3 năm nhận khoán bảo vệ rừng chúng tôi vẫn chưa được hưởng lợi gì nên cũng hơi nản”. Ông Lưu Minh Oai, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, trên thực tế, việc giao khoán bảo vệ rừng cho 10 hộ đồng bào dân tộc thiểu số của xã đã được triển khai gần 3 năm, nhưng đến giờ họ vẫn chưa nhận được quyết định giao rừng của cấp trên nên cơ sở pháp lý của chủ rừng không rõ ràng, khi gặp lâm tặc, họ chỉ được phép thu giữ phương tiện và báo lại cho chính quyền địa phương xử lý, do đó, thường không kịp thời, kém hiệu quả. Trong khi đó, họ cũng chưa được hưởng chế độ, chính sách như quy định nên không còn “mặn mà” với rừng như trước nữa”. Cũng theo ông Oai, lãnh đạo xã đã nhiều lần lên Phòng Nông nghiệp huyện hỏi về quyết định giao rừng cho 10 hộ ở xã nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời và cũng không được giải thích gì thêm.

Có nhiều nguyên nhân khiến việc giao khoán rừng tại xã Ea H’Mlay gặp nhiều trở ngại, trong đó phải kể đến là do kinh phí tổ chức thực hiện Quyết định 304 được xác định là ngân sách Trung ương cấp, nhưng khi triển khai thực hiện lại yêu cầu tỉnh xuất từ ngân sách địa phương, trong khi đó, nguồn ngân sách địa phương thì hạn chế. Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp, ngành và ngay cả người dân về giao khoán bảo vệ rừng có nhiều điểm chưa thống nhất, nên khi triển khai còn nhiều lúng túng, thêm nữa, rừng giao khoán bảo vệ chủ yếu là rừng nghèo, đồi đá, thu nhập từ rừng không đáng kể, nên người dân chỉ biết trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Chính vì vậy, đề nghị các cấp, ngành liên quan nhanh chóng đưa ra giải pháp khắc phục vướng mắc trên để việc giao khoán, bảo vệ rừng ở xã Ea H’Mlay thực sự hiệu quả.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.