Multimedia Đọc Báo in

Vụ đông xuân 2010-2011: Dak Lak đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới

09:27, 25/10/2010

Mặc dù Tây Nguyên đang trong mùa mưa, nhưng hầu hết các hồ, đập đều chưa đạt mực nước dâng bình thường, do lượng mưa ở các vùng thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm. Vụ đông xuân 2010-2011 đang phải đối mặt với nguy cơ khô hạn.

Thiếu nước giữa mùa mưa!
“Những năm trước, vào thời điểm này lũ tiểu mãn đã về ngập cánh đồng gần cả tháng rồi, nhưng năm nay, đồng ruộng vẫn khô cạn, kéo theo tình trạng cỏ dại phát triển mạnh, chuột sinh sôi theo cấp số nhân. Bà con ở đây đang rất mong lũ tiểu mãn về để làm sạch đồng, có nước phục vụ sản xuất đông xuân…” anh Đoàn Công Bình, Phó Chủ nhiệm HTX Thăng Bình 1 (Krông Ana) cho biết. Cũng trong tâm trạng mong nước về, nông dân ở huyện Krông Pak đứng ngồi không yên vì công trình thủy lợi Krông Buk hạ theo kế hoạch đến tháng 12 - 2010 mới hợp long, không kịp thông tuyến để cung cấp nước tưới cho vụ đông xuân tới. Phương án đắp đập tạm qua tràn cũ để lấy nước phục vụ sản xuất đông xuân đã được tính đến, nhưng phải đợi mùa mưa lũ kết thúc mới triển khai được. Theo số liệu của Chi cục Thủy lợi thì đến thời điểm này, lượng mưa ở các vùng đạt khá thấp so với cùng kỳ nhiều năm, thấp nhất là vùng Cư M’gar, Giang Sơn, Lak, lượng mưa đạt từ 74,5% đến trên 78%; cao nhất là vùng TP. Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Hồ, đạt từ 85% - 90%. Theo đó, các hồ chưa tích đủ nước để chuẩn bị phục vụ cho sản xuất đông xuân, đặc biệt nhiều hồ chứa như Buôn Tría (Lak), Ea Bông (Krông Ana) mới đạt được 10% – 20% dung tích cần chứa. Ngoài ra, các hồ chứa lớn như Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) mới 60%, Ea Súp thượng (Ea Súp) 75%, Giang Reh (Krông Bông) 80%, Ea Uy (Krông Pak) 50%. Theo ông Nguyễn Tiến San, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, nếu thời gian tới, lượng mưa không cải thiện thì vụ đông xuân 2010 – 2011 nguy cơ bị khô hạn là rất cao, đặc biệt đối với diện tích cây cà phê có thể lên đến 10.000 – 15.000 ha. Việc thiếu nước tưới đối với cây trồng vụ đông xuân còn kéo theo nhiều hệ lụy, giá thành sản xuất sẽ cao, năng suất giảm, đó là chưa kể đến sự phá hại của chuột đồng… Theo tính toán của anh Đoàn Công Bình, nếu HTX phải bơm nước từ sông vào cánh đồng thì riêng chi phí cho tiền điện sẽ mất 50 triệu đồng. Ngoài ra, tiền thuê nhân công làm đất cũng cao hơn 150.000 đồng/ngày (bình thường là 100.000 đồng/ngày) vì đất cứng nên tốn nhiều công hơn; lượng giống sạ cũng nhiều hơn gần gấp đôi vì phải sạ nhiều lần do chuột phá hoại; phân bón cũng nhiều hơn để bù đắp vào lượng phù sa không được lũ mang về…

Nông dân huyện Ea Súp làm đất chuẩn bị đất gieo cấy vụ đông xuân 2010-2011.
Nông dân huyện Ea Súp làm đất chuẩn bị đất gieo cấy vụ đông xuân 2010-2011.

Cần siết chặt thời vụ xuống giống
Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2010-2011, toàn tỉnh sẽ gieo trồng 36.930 ha cây trồng các loại, tăng 330 ha so với vụ đông xuân trước. Trong đó, lúa nước 26.000 ha (tăng 150 ha), ngô 2.990 ha (giảm 10 ha), cây có củ 1.435 ha... Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 172.138 tấn (lúa 156.790 tấn, ngô 15.310 tấn). Tại Dak Lak, đông xuân là vụ lúa chính, chiếm gần 50% sản lượng lúa trong năm, có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo đảm an ninh lương thực. Do vậy, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là việc bố trí thời vụ xuống giống để bảo đảm lúa đủ nước trong suốt vụ, kết hợp sử dụng giống thích hợp nhằm né tránh các điều kiện thời tiết bất lợi như tránh khô hạn đầu vụ và ngập úng cuối vụ, giai đoạn lúa trổ, chín có đầy đủ số giờ nắng cần thiết và lượng mưa ít nhất (các tháng 2 - 3 và nửa đầu tháng 4). Sở NN-PTNT đã yêu cầu các địa phương phải tuân thủ đúng lịch thời vụ (từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12-2010 bắt đầu xuống giống và chỉ được gieo cấy lúa nước ở những chân ruộng có nguồn nước ổn định, những nơi không bảo đảm nước cần chuyển sang cây trồng khác. Ưu tiên sử dụng các giống lúa ngắn ngày, tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận cho những vùng dịch chuyển thời vụ gieo cấy sớm. Đồng thời, khẩn trương nạo vét kênh mương, khắc phục kịp thời những công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp và hoàn chỉnh các công trình thủy lợi đang xây dựng để đưa vào phục vụ sản xuất; chủ động tưới luân phiên và đắp đập tràn bằng bao cát vào cuối mùa mưa lũ để trữ thêm nước trong hồ. Ngoài ra, các địa phương nhanh chóng xác định nhu cầu giống, vật tư, phân bón trong dân để bảo đảm cung ứng đủ và kịp thời cho sản xuất; chú trọng thâm canh và thực hiện đồng bộ từ khâu giống, thời vụ bảo vệ thực vật, phòng chống thiên tai… Phát biểu tại hội nghị tổng kết đông xuân 2009-2010, sơ kết vụ mùa 2010… ông Trần Hiếu, Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, các huyện, thị, thành phố cần chủ động thành lập ban chỉ đạo phòng chống hạn và xây dựng phương án phòng chống hạn để hạn chế tối đa những rủi ro cho sản xuất đông xuân. Đồng thời đặc biệt chú trọng đến chiến lược cơ cấu sử dụng đất ổn định lâu dài của các địa phương và phát huy tối đa năng lực tưới của các công trình thủy lợi.

 

Thuận Nguyễn

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.