Multimedia Đọc Báo in

Cá tra thoát khỏi "danh sách đỏ" nhưng phải có chứng chỉ ASC

08:51, 19/12/2010
  Tổng cục Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam và Quỹ Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (WWF)  ngày 17-12 đã đi tới một bản cam kết cùng đưa con cá tra Việt Nam tiến tới “danh hiệu” đạt chứng chỉ phát triển bền vững toàn cầu theo cái gọi là tiêu chuẩn ASC của WWF.
 
Chứng chỉ ASC
 
Hai bên đã ký biên bản đồng ý hợp tác lâu dài với nhau - trước hết là trong thời gian 5 năm (2011 - 2015) để cá tra Việt Nam được chứng nhận “phát triển bền vững toàn cầu”. Theo biên bản ghi nhớ, trách nhiệm của WWF là phát triển thị trường toàn cầu đối với sản phẩm cá tra Việt Nam đã được công nhận phát triển bền vững toàn cầu với giá cao hơn. Tất cả những công việc chuẩn bị sẽ được hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2011, bao gồm các hoạt động tổ chức hội thảo, tập huấn cho người nuôi, người chế biến... nhằm tạo nên sự đồng thuận của cộng đồng trong việc áp dụng phát triển bền vững toàn cầu.
 
Các bên cũng hình thành các chương trình hỗ trợ, trong đó, WWF sẽ có trách nhiệm tìm tất cả các nguồn hỗ trợ cho Việt Nam trong việc chứng nhận phát triển bền vững toàn cầu. Tổng cục Thủy sản và Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên cũng đặt ra các chỉ tiêu cho từng giai đoạn khác nhau và những chỉ tiêu này trùng khớp với mục tiêu quốc gia về phát triển cá tra của Việt Nam. Cụ thể, trong hai năm 2011-2012, Việt Nam phấn đấu đạt 25% lượng cá tra xuất khẩu đạt bất cứ một tiêu chuẩn quốc tế về phát triển cá tra bền vững, trong đó có 10% được chứng nhận ASC. Đến 2015, 100% cá tra xuất khẩu đạt tiêu chuẩn quốc tế về phát triển cá tra bền vững, trong đó có 50% được chứng nhận ASC.
 
Có phải là sự đổi chác?
 
Cũng tại buổi ký kết này, Tổng cục Thủy sản thông báo: Bắt đầu từ ngày 17-12, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên đã chính thức đưa cá tra Việt Nam ra khỏi danh sách đỏ và khuyên người tiêu dùng toàn cầu nên mua cá tra Việt Nam. Nhiều người đặt câu hỏi, có phải con cá tra của Việt Nam đã mắc bẫy, để được thoát khỏi danh sách đỏ phải có chứng nhận ASC của tổ chức WWF, như vậy có phải là sự đổi chác?
 
Theo cam kết của WWF thì có chứng chỉ của họ, giá bán cá tra của Việt Nam sẽ cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên việc bắt buộc các doanh nghiệp phải chạy theo hàng loạt chứng chỉ của các tổ chức phi chính phủ và những tổ chức xã hội nghề nghiệp trên thế giới đang làm doanh nghiệp, người nuôi cá tra “bội thực”, phải gánh trả những khoản chi phí khổng lồ. Chẳng hạn với giá mà các doanh nghiệp Việt Nam phải bỏ ra để mua “danh hiệu” ASC là 7.500 USD (trên một vuông nuôi 5ha, tính trong 1 năm như đang áp dụng Global GAP) thì thử hình dung Việt Nam với 6.000ha nuôi cá tra như hiện nay, tổng mức tiền mà chúng ta phải nộp cho họ lớn tới mức nào! Tất nhiên, khoản gánh nặng này sẽ lại đè lên vai người nuôi cá tra và người tiêu dùng.
 
Không chỉ Việt Nam, trên thế giới hiện nay cũng có nhiều bộ tiêu chuẩn cho thủy sản khiến người tiêu dùng rối loạn. Theo ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên thường trực Hiệp hội Nghề cá Việt Nam, hiện người nuôi cá tra cũng như doanh nghiệp Việt Nam nuôi cá tra đang bị bội thực các loại chứng chỉ. Chẳng hạn như chứng chỉ SGS là tiêu chuẩn của một hệ thống bán lẻ ở Mỹ, SQF 1000 và SQF 2000 cũng là một loại tiêu chuẩn bán lẻ. GAA là tiêu chuẩn của một tổ chức thủy sản toàn cầu tự đóng tại Mỹ cùng với EroRep GAP - tiêu chuẩn hệ thống bán lẻ châu Âu, hợp lại thành bộ tiêu chuẩn GlobalGAP. Cũng theo ông Cương cho biết các chứng chỉ như SGS, ASC, SQF… không hề có tính pháp lý đối với người tiêu dùng trên thế giới, mà đó thực ra chỉ là những tài liệu hướng dẫn của một tổ chức nào đó về một sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta lại lầm tưởng là những tiêu chuẩn bắt buộc về sản phẩm của thế giới. 
 
Đ.T
 
 
 
 
 
 
 
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk – Phú Yên: Chủ động chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính, Đắk Lắk và Phú Yên đang tiến hành công tác chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh. Hội nghị giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh được tổ chức tại Buôn Ma Thuột vào chiều 18/4 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình này.