Multimedia Đọc Báo in

Năng lực cạnh tranh: Sức mạnh của doanh nghiệp

18:19, 15/02/2011

Thị trường thời hội nhập với sự tham gia của các doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế đã  tạo áp lực cạnh tranh mạnh mẽ. Tùy quy mô, loại hình mà doanh nghiệp có chiến lược, bước đi phù hợp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh; trong đó đầu tư cho nghiên cứu, sáng tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đi đôi với các hoạt động quảng bá thương hiệu một cách bài bản là hướng đi mà nhiều doanh nghiệp lựa chọn.

Hiện đại và tối ưu hóa các dịch vụ
Hàng loạt các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa - dịch vụ khi gia nhập WTO, trong đó có cam kết về tự do hóa lĩnh vực tài chính - ngân hàng đã đặt ngành ngân hàng trong nước trước những cơ hội và thách thức.

Trong những năm gần đây, thị trường tài chính phát triển khá sôi động. Tại Dak Lak, hiện đã có sự góp mặt của 23 ngân hàng thương mại, đứng hàng đầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trước áp lực cạnh tranh ngày càng tăng do thực hiện lộ trình nới lỏng các quy định đối với các tổ chức tài chính nước ngoài, nhất là về việc mở chi nhánh và các điểm giao dịch…các ngân hàng thương mại bắt đầu quan tâm đẩy mạnh hiện đại hóa công nghệ, phát triển các loại hình dịch vụ mới, được xã hội chấp nhận, như máy ATM, internet banking, home banking, PC banking, mobile banking, đem lại cho khách hàng ngày càng nhiều tiện ích mới và văn minh trong thanh toán. Tuy nhiên, tính cạnh tranh giữa các sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng chưa cao, chủ yếu nhờ mở rộng mạng lưới và cạnh tranh về giá (lãi suất và phí), còn cạnh tranh về chất lượng dịch vụ và công nghệ chưa phổ biến. Bên cạnh đó, sản phẩm dịch vụ thiếu ổn định, chưa có sự liên kết giữa các ngân hàng trong việc phát hành các loại thẻ và khai thác dịch vụ mới nhằm chia sẻ hạ tầng kỹ thuật, tạo thuận lợi cho khách hàng trong việc sử dụng thẻ… đã gây lãng phí trong việc đầu tư mua sắm máy móc. Sản phẩm, dịch vụ ngân hàng còn mang tính truyền thống, vẫn nghèo nàn về chủng loại, sản phẩm mới chưa nhiều, chất lượng dịch vụ thấp, tính tiện ích chưa cao, chưa định hướng theo nhu cầu khách hàng; vấn đề bảo mật thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu, nguy cơ rủi ro còn tiềm ẩn với cả khách hàng và ngân hàng.

Ứng dụng công nghệ hiện đại tại Vietcombank góp phần nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. (Ảnh: Lê Hương)
Ứng dụng công nghệ hiện đại tại Vietcombank góp phần nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. (Ảnh: Lê Hương)
Ông Phạm Văn Phong, Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương - Chi nhánh Dak Lak cho biết: Những năm gần đây, các ngân hàng thương mại trong nước liên tục tạo thêm các tiện ích mới của các sản phẩm dịch vụ, song hầu hết các ngân hàng đều có danh mục sản phẩm, dịch vụ tương tự nhau, chưa tạo được sự khác biệt trong cung cấp dịch vụ đến khách hàng. Sự xuất hiện của những ngân hàng lớn, có kinh nghiệm vào thị trường làm gia tăng áp lực cạnh tranh cho các ngân hàng thương mại trong nước. Cũng vì thế, cạnh tranh tạo ra áp lực cần thiết để các ngân hàng trong nước nỗ lực hơn nữa trong việc mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng dịch vụ, học hỏi kinh nghiệm quản lý, công nghệ, cũng như các gói sản phẩm của nước ngoài. Quá trình mở rộng của những ngân hàng nước ngoài và hội nhập quốc tế, chắc chắn sẽ đặt ra những chuẩn mực mới cao hơn cho dịch vụ ngân hàng trong nước. Làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh, yếu tố sống còn của bất cứ loại hình doanh nghiệp nào cũng là vấn đề chung của các ngân hàng hiện nay. Chính vì vậy, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã và đang xây dựng một chiến lược phát triển toàn diện với mục tiêu trở thành một tập đoàn tài chính hàng đầu Việt Nam và trở thành 1 trong 50 ngân hàng hàng đầu khu vực và thế giới. Riêng đối với Chi nhánh tại Dak Lak, trong 3 năm qua, tăng trưởng tín dụng khá ổn định với mức tăng trung bình hằng năm trên 150 tỷ đồng. Trong năm 2010, tổng vốn huy động đạt 1.300 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2009; tổng dư nợ cho vay đạt 4.150 tỷ đồng. Kết quả này phản ánh những bước tiến ổn định, vững chắc của đơn vị trên thị trường tiền tệ vốn khá nhạy cảm.

Có thể nói, việc cạnh tranh lãi suất như các ngân hàng hiện nay chỉ mang tính “ăn xổi ở thì”. Để phát triển bền vững thì không cách nào khác phải tăng sức cạnh tranh bằng khả năng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tiện ích, tối đa hóa giá trị cho khách hàng.

Tạo sức  hấp dẫn từ sự khác biệt
Dẫn đầu thị trường cà phê trong nước, có mặt tại 50 quốc gia trên thế giới, thương hiệu cà phê Trung Nguyên nổi tiếng vẫn không ngừng nghiên cứu, sáng tạo trong bước đường chinh phục thị trường cà phê nội địa cũng như trên toàn thế giới. Cạnh tranh bằng sự khác biệt - đó là điều mà ông chủ Trung Nguyên hướng tới, sao cho cà phê Trung Nguyên chiếm lĩnh thị trường không còn thuần túy là một thứ đồ uống, một hàng hóa nông nghiệp như quan niệm truyền thống, mà là ở góc độ văn hóa, nghệ thuật, tư tưởng nhân văn và triết lý sống. Phương châm ấy được cụ thể hóa không chỉ bằng nhiều sản phẩm, mẫu mã mới lạ phù hợp với từng đối tượng khách hàng, mà còn ở những điểm nhấn độc đáo, có tính đột phá trong quảng bá thương hiệu và tiếp cận thị trường, như ý tưởng xây dựng Thủ phủ cà phê toàn cầu tại Dak Lak, lập Công ty Trung Nguyên ở Mỹ...

Cà phê Trung Nguyên chiếm lĩnh thị trường từ nhiều góc độ. (Ảnh: Hoa Hồng)
Cà phê Trung Nguyên chiếm lĩnh thị trường từ nhiều góc độ. (Ảnh: Hoa Hồng)
Tại Hội thảo "Về xây dựng Buôn Ma Thuột thành thủ phủ cà phê toàn cầu và phát triển Dak Lak thành địa bàn kinh tế xanh trọng điểm" do UBND tỉnh Dak Lak, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam cùng Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên phối hợp tổ chức tại Dak Lak vào cuối tháng 12-2010, các đại biểu đã thống nhất nhận định: Buôn Ma Thuột có cơ sở chính đáng để tự xây dựng cho mình thương hiệu và hình ảnh của một thủ phủ cà phê toàn cầu, lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới nhằm minh chứng vị trí độc đáo của mình trên thương trường quốc tế (nơi đang có hàng nghìn đô thị khác cạnh tranh nhau) để xây dựng tính khác biệt. Sự định vị này cực kỳ quan trọng vì sẽ tạo điều kiện để đưa thương hiệu Cà phê Việt Nam đến với toàn cầu. Ý tưởng mô hình thủ phủ cà phê toàn cầu của Trung Nguyên là cơ sở cho đề cương dự án: “Hình mẫu Cà phê mới - nền tảng phát triển bền vững của cộng đồng” trong Định hướng nghiên cứu chiến lược An ninh lương thực cho các quốc gia đang chuyển đổi, các giải pháp giải quyết tình trạng tụt hậu ở các nước Nam Á và châu Phi mà các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới đang thực hiện. 

Hiện Trung Nguyên đang tiến hành các bước chuẩn bị cho sự hình thành Bảo tàng Cà phê thế giới tại Buôn Ma Thuột vào đầu năm 2011, với hơn 10.000 hiện vật quý hiếm thể hiện những nội dung: lịch sử cà phê, địa lý cà phê, những tiến bộ kỹ thuật và công nghệ của cà phê trên thế giới và văn hóa cà phê toàn cầu... được chuyển nhượng từ Bảo tàng Cà phê lớn nhất thế giới Jens Burg (Đức), đưa Việt Nam trở thành nước thứ 6 trên thế giới có bảo tàng cà phê. Trung Nguyên cũng đang xúc tiến việc thành lập Công ty tại Mỹ, nơi được xem là “sân chơi” của những “ông trùm kinh tế” thế giới. Theo ông chủ Trung Nguyên, chinh phục thị trường lớn này sẽ thuyết phục thị trường thế giới, văn phòng Trung Nguyên tại Mỹ và Singapo sẽ điều phối cà phê Trung Nguyên trên toàn cầu.           

Lắng nghe và thấu hiểu khách hàng
Kiên trì, linh hoạt với phương châm “lắng nghe và thấu hiểu” đối với khách hàng, Prudential Việt Nam là DN có vốn đầu tư nước ngoài tạo được thương hiệu uy tín trên thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam đang trở nên cạnh tranh hơn khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp mới tham gia; nhu cầu bảo hiểm của người dân cũng ngày càng đa dạng, đòi hỏi phải có những sản phẩm cũng như dịch vụ khách hàng phong phú hơn. Việc "nghe - hiểu" của Prudential Việt Nam do đó luôn bám sát thị trường để có những điều chỉnh tương ứng. Trước tiên, đó là những sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu tài chính thiết thực của khách hàng trong nước. Trên cơ sở cân đối nhiều yếu tố như mức thu nhập, quy mô gia đình, hoàn cảnh kinh tế, chính sách an sinh xã hội của Chính phủ… Công ty đã thiết kế riêng cho đối tượng khách hàng trong nước những sản phẩm bảo hiểm đa dạng và ưu việt, phù hợp với tâm lý và hoàn cảnh chung của đông đảo người dân. Bên cạnh đó, công ty chú trọng đầu tư phát triển mạng lưới phân phối rộng khắp trong cả nước và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Công ty Prudential trao tặng quà cho gia đình chính sách tại Thị xã Buôn Hồ nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ. (Ảnh: H.H)
Công ty Prudential trao tặng quà cho gia đình chính sách tại Thị xã Buôn Hồ nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ. (Ảnh: H.H)
Ông Đoàn Thanh Tùng, phụ trách chi nhánh Prudential tại Dak Lak cho biết: Thị trường bảo hiểm nhân thọ ở Dak Lak phát triển khá mạnh, từ 1 văn phòng tại TP. Buôn Ma Thuột, đến nay  Prudential đã mở thêm 3 văn phòng Tổng đại lý tại huyện Ea H’leo, Ea Kar và Cư Kuin nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn. Ngoài ra, việc "nghe - hiểu" khách hàng của Prudential còn thông qua hoạt động xã hội vì cộng đồng. Prudential đã tài trợ hàng chục tỷ đồng cho các chương trình trách nhiệm doanh nghiệp với xã hội. Quỹ Prudence, một quỹ phát triển xã hội với tổng trị giá 2,7 triệu USD của Tập đoàn Prudential dành riêng cho Việt Nam tiếp tục tài trợ phát triển các lĩnh vực: đào tạo công nghệ thông tin, đào tạo tiếng Anh, đào tạo tài năng trẻ quần vợt… Trong đó, Dak Lak có 2 trường hợp được Quỹ trao Học bổng Chevening du học Vương quốc Anh và Mỹ với trị giá mỗi suất 30.000 USD. Chiến lược đầu tư bài bản cho  việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và quảng bá thương hiệu của Prudential đã tạo hiệu ứng tích cực với kết quả ấn tượng cả trong kinh doanh lẫn trách nhiệm cộng đồng năm 2010: giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam, với gần 40% thị phần doanh thu phí bảo hiểm; là DN bảo hiểm duy nhất được Bộ Công thương chọn vào top 10 DN thương mại dịch vụ xuất sắc 2010.

Nâng tầm trái bơ sáp Dak Lak
Trái bơ sáp của Dak Lak đang được người tiêu dùng trong nước biết đến với thương hiệu Dakado. Công ty TNHH Thu Nhơn (Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) là DN duy nhất được dự án Phát triển chuỗi giá trị bơ trái Dak Lak (GTZ) lựa chọn tài trợ để phát triển thương hiệu bơ trái Dakado chất lượng cao. Trong những năm qua, được sự hỗ trợ của dự án, công ty đã không ngừng nỗ lực đưa trái bơ đến tay người tiêu dùng khắp miền đất nước. Công ty cũng tổ chức các chương trình giới thiệu và quảng bá sản phẩm bơ đến tay người tiêu dùng như “Chương trình khám phá sự kỳ diệu” ở các siêu thị thuộc hệ thống siêu thị Co.op Mart, Metro (TP. Hồ Chí Minh). Tại đây, khách hàng được giới thiệu cách chế biến món ăn từ trái bơ; những ích lợi mà trái bơ mang lại cho sức khỏe, sắc đẹp và thưởng thức hương vị của trái bơ Daklak. Không những thế, ở tỉnh nào có hội chợ là DN cũng tự bỏ kinh phí mang sản phẩm đi tham dự để tìm cơ hội mở rộng kênh phân phối. Từ đó, bơ sáp Dak Lak được nhiều người biết đến và xem đây là một đặc sản của vùng được ưa chuộng nhất. Cuối năm 2009, sản phẩm bơ Dakado đã có mặt tại hệ thống các siêu thị Big C, Co.opMart, Metro, Fivi Mart… với giá bán từ 20.000 – 25.000 đồng/kg.

Bơ Dakado tham gia chương trình xúc tiến thương mại nội địa. (Ảnh: Thuận Nguyễn)
Bơ Dakado tham gia chương trình xúc tiến thương mại nội địa. (Ảnh: Thuận Nguyễn)
Năm 2010, DN tiếp tục đưa ngành bơ đi lên thông qua hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại trong năm 2010 như: tham gia 9 điểm hội chợ, mở rộng thị trường tại các tỉnh Tiền Giang, Long An, Huế, Quy Nhơn, Hà Nội…Cùng với việc mở rộng thị trường, DN đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo bà Nguyễn Thị Thu Nhơn, Giám đốc Công ty, để duy trì chất lượng bơ Dakado, các lái buôn và nhà vườn được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về quy trình thu hoạch, bảo quản sản phẩm, đó là sản phẩm phải đạt chuẩn bơ sáp, đạt khối lượng nhất định từ 3-4 trái/kg, không bị trầy xước và còn nguyên cuống. Sau khi trái bơ được người thu mua đưa đến công ty, bà Thu Nhơn là người trực tiếp lựa chọn và phân loại trái bơ một lần nữa để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Mỗi trái bơ Dakado đều được dán tem ghi mã số người thu mua, có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm và đóng hộp dành riêng cho bơ Dak Lak. Mặc dù đi tiên phong cho sản phẩm bơ sáp đến tay người tiêu dùng trong cả nước, nhưng lợi nhuận luôn được DN chia sẻ công bằng cho các đối tác tham gia trong chuỗi giá trị, nhất là người nông dân. Theo bà Thu Nhơn: DN tuy là người trực tiếp phân phối sản phẩm đến khách hàng, nhưng người làm ra sản phẩm chính là nông dân. Vì vậy, muốn kinh doanh tốt thì phải có vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng cao, và nông dân chính là người làm nên điều đó, nên cần phải coi trọng lợi ích của họ. Hiện, DN đã liên kết với 300 hộ nông dân trồng bơ với tổng diện tích hơn 500 ha. Đây là nguồn nguyên liệu ổn định để DN có thể xuất đi hàng chục tấn bơ mỗi ngày. Một niềm vui cho ngành bơ là Dự án cạnh tranh nông nghiệp Dak Lak đã chính thức đưa liên minh sản xuất bơ đi vào hoạt động.  Đây là cơ hội tốt để quảng bá, phát triển thương hiệu bơ Dakado. Hiện thị trường bơ Dakado rất khả quan, lượng đặt ngày một tăng. Ngoài kế hoạch ổn định và mở rộng thị trường để tạo đầu ra cho nông dân, doanh nghiệp cũng đang hướng đến xuất khẩu. Công ty cũng đã tìm được đối tác liên kết để làm điều này, nhưng trong tương lai doanh nghiệp sẽ tự chế biến và xuất khẩu các sản phẩm bơ như: bơ đóng gói, dầu bơ, bột bơ... Nếu tổ chức bán buôn trong nước và xuất khẩu tốt, trái bơ có thể tạo ra giá trị tương đương 7 triệu USD/năm.

Cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ và nụ cười
Với phương châm hoạt động “Tất cả vì khách hàng” và cạnh tranh bằng “Văn hóa doanh nghiệp, nụ cười Mai Linh”, màu xanh và thương hiệu của Công ty Cổ phần Vận tải tốc hành  Mai Linh Dak Lak đã nhanh chóng chiếm được thị phần ở đây.

Tuy là doanh nghiệp “sinh sau đẻ muộn” trong “làng” vận tải hành khách đường dài ở  Dak Lak (chính thức tham gia thị trường vào năm 2007), nhưng Chi nhánh Công ty cổ phần vận tải tốc hành Mai Linh Dak Lak đã sớm khẳng định được thương hiệu của mình và chiếm được niềm tin của người dân bằng chính chất lượng dịch vụ. Ngay từ đầu, Công ty luôn quan tâm và chú trọng đến việc triển khai thực hiện hoạt động quản lý và kinh doanh dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001 : 2000. Qua đó, Mai Linh đem lại cho khách hàng nhiều lợi ích khi tham gia hành trình trên những chuyến xe.

Phương tiện hiện đại; tác phong lịch sự, thái độ phục vụ ân cần... đã giúp Mai Linh chiếm lĩnh thị phần vận tải ở Dak Lak. (Ảnh: Minh Quân)
Phương tiện hiện đại; tác phong lịch sự, thái độ phục vụ ân cần... đã giúp Mai Linh chiếm lĩnh thị phần vận tải ở Dak Lak. (Ảnh: Minh Quân)
Qua từng năm hoạt động, Mai Linh không ngừng nâng cao chất lượng phương tiện để phục vụ khách hàng. Ban đầu chỉ với chưa đầy chục đầu xe 16 chỗ, thì nay Công ty đã có 15 đầu xe chạy 4 tuyến đi TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang và Đà Lạt, trong đó có 4 xe 45 chỗ chất lượng cao và 3 xe giường nằm 40 chỗ. Nhưng điểm đặc biệt trong đầu tư chất lượng phương tiện của Mai Linh là tất cả các xe vận tải tốc hành đều được gắn “hộp đen” và hệ thống định vị toàn cầu (GPS). Với các thiết bị này, người quản lý có thể kiểm soát được vị trí, tốc độ của từng xe… Chính vì vậy, các lái xe sẽ phải làm chủ tay lái, không vượt quá tốc độ cho phép, bảo đảm an toàn cho hành khách. Song song với việc phát triển phương tiện là chính sách về chất lượng dịch vụ. Mai Linh đã có những quy định nghiêm ngặt, như: Xe xuất hành đúng giờ; không đón khách dọc đường v.v… Bên cạnh đó, để bảo đảm sức khỏe, an toàn của khách hàng và hướng tới một môi trường xanh, Mai Linh có quy định “xe không có khói thuốc”- lái xe và người phục vụ trên xe không hút thuốc, đồng thời vận động hành khách cùng hưởng ứng thực hiện.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Mai Linh Dak Lak cho biết: “Mai Linh là doanh nghiệp tiên phong trong việc đào tạo văn hóa doanh nghiệp cho cán bộ, nhân viên. Trong các yếu tố hình thành văn hóa doanh nghiệp, con người là nhân tố quan trọng nhất. Ban lãnh đạo Mai Linh luôn xác định và xây dựng con người đáp ứng những yêu cầu về chuyên môn, đạo đức, văn hóa. Công ty thường có kế hoạch đào tạo và tổ chức các khóa học cho cán bộ, nhân viên. Mỗi khi lái xe vào làm việc tại Công ty đều được tham gia khóa huấn luyện nghiệp vụ và được tập huấn đầy đủ về nội quy, văn hóa của Công ty tại TP. Hồ Chí Minh. Chính nhờ có nền tảng văn hóa, quy chế rõ ràng nên công ty đã xây dựng cho mình những sản phẩm dịch vụ có tính văn hóa đích thực với tác phong làm việc văn hóa, chuyên nghiệp”.

Nhóm PV (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc