Multimedia Đọc Báo in

Bước phát triển nhảy vọt của ngành cà phê Dak Lak từ sau năm 1975 đến nay

10:20, 06/03/2011

Cà phê là loại cây công nghiệp rất phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng ở Dak Lak, nên từ sau ngày thống nhất đất nước, diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh phát triển khá nhanh. Năm 1975, toàn tỉnh mới chỉ có trên 3.700 ha cà phê, 10 năm sau (năm 1985) tăng lên 15.000 ha, năm 1990, diện tích cà phê đã tăng lên 76.000 ha. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 184.000 ha (trong đó trên 173.000 ha cà phê kinh doanh) với sản lượng đạt trên 400.000 tấn nhân xô, chiếm 36,4% sản lượng cà phê cả nước.

Cùng với việc tăng nhanh về diện tích, năng suất và sản lượng cà phê cũng tăng mạnh nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh như: chọn giống, bón phân, tưới nước, tạo tán… Nếu những năm trước 1990, năng suất chỉ đạt 8-9 tạ nhân/1 ha cà phê kinh doanh, năm 1994, năng suất bình quân đã đạt 18,5 tạ/ha thì đến nay bình quân đạt từ 25-28 tạ/ha; cá biệt ở một số vùng sản xuất, năng suất bình quân đạt đến 35-40 tạ/ha, vườn cà phê ở một số hộ gia đình thậm chí đạt trên 50 tạ/ha.

Có thể nói, cây cà phê đã thực sự tạo ra hiệu quả kinh tế-xã hội rất quan trọng và to lớn cho người dân Dak Lak. Hiện nay, cà phê là sản phẩm chủ lực của tỉnh. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 62 triệu USD, trong đó cà phê chiếm đến 85% giá trị xuất khẩu của tỉnh và 40% giá trị xuất khẩu cà phê cả nước. Cà phê đóng góp trên 60% tổng thu ngân sách của tỉnh, giải quyết việc làm cho khoảng 300.000 lao động trực tiếp và khoảng 100.000 lao động gián tiếp. Xuất khẩu cà phê Dak Lak đã góp phần làm cho sản phẩm cà phê trong nhiều năm qua được đứng vào nhóm các mặt hàng của cả nước có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD mỗi năm (riêng năm 2010, giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành cà phê Việt Nam đạt trên 1,7 tỷ USD), với sản lượng cà phê hằng năm đứng thứ hai trên thế giới. Đến nay, sản phẩm cà phê Dak Lak đã được xuất khẩu đến gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp các châu lục.

Mùa hoa cà phê. (Ảnh: S.T)
Mùa hoa cà phê. (Ảnh: S.T)


Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh về diện tích, năng suất, sản lượng cũng đặt ra những vấn đề cần giải quyết. Trong giai đoạn 1994-1999, do lợi nhuận từ trồng cà phê tăng cao nên diện tích cà phê phát triển một cách ồ ạt khiến quy hoạch sử dụng đất bị phá vỡ; một số diện tích cây trồng khác bị thu hẹp và không phát triển, đặc biệt là diện tích rừng giảm do người dân phá rừng và lấn chiếm đất rừng để trồng cà phê. Bên cạnh đó, phần lớn diện tích cà phê do nông dân tự chọn giống để trồng nên đã bộc lộ nhiều nhược điểm, có xu hướng giống bị thoái hóa; trong khi đó, các hoạt động khoa học – công nghệ và công tác khuyến nông chưa đáp ứng kịp yêu cầu của thực tiễn sản xuất. Công tác quản lý còn bất cập, mô hình liên kết “4 nhà” (Nhà nước – nhà khoa học – nhà nông – nhà doanh nghiệp) chưa rõ ràng, khả năng liên kết kém, ít linh hoạt trong nhiều khâu, nhiều công đoạn. Một vấn đề nữa là việc sản xuất, kinh doanh cà phê còn phụ thuộc rất lớn vào khí hậu và thời tiết, tác động và ảnh hưởng của biến động giá cả và nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Điều đó đã dẫn đến một vòng “luẩn quẩn”: được mùa - mất giá, được giá - mất mùa. Ngoài ra, chất lượng sản phẩm cà phê chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường do những bất cập, thiếu khoa học trong trồng, chăm sóc, quản lý, thu hoạch và chế biến cà phê.

Những vấn đề nói trên đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải có định hướng để phát triển cà phê bền vững.

H.T (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc