Công nghiệp một năm vượt “bão”
Tổng giá trị sản xuất công nghiệp phấn đấu trong năm 2011 của tỉnh là 4.407 tỷ đồng – một con số tưởng chừng khó khả thi khi nền kinh tế của cả nước phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Tuy nhiên, sau một năm “vượt bão”, ngành công nghiệp Dak Lak vẫn có những bước tăng trưởng ổn định, đạt kế hoạch đã đề ra.
Ngay từ những tháng đầu năm, giá cả xăng dầu, điện và một số nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp đã có xu hướng tăng cao. Riêng từ tháng 3, giá điện tăng hơn 15%, lạm phát 6 tháng đầu năm hơn 15%. Lãi suất cho vay của các ngân hàng có lúc tăng đến hơn 20%.. Vượt qua những thách thức đó, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn giữ được đà tăng trưởng khá, trong đó công nghiệp chế biến (chiếm 60% cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp) vẫn đạt mức tăng trưởng 11%, với tổng giá trị sản xuất 2.640 tỷ đồng, đạt 101,3% kế hoạch. Một số nhóm sản phẩm trong công nghiệp chế biến có mức tăng đột biến gồm: đường, cao su, bơm nước, máy chế biến nông sản. Đáng chú ý là sản phẩm đường, với việc Nhà máy đường 333 được nâng cấp lên 2.500 tấn mía/ngày, sản phẩm đường tăng mạnh, đạt 272,7%, tăng 80% so với kế hoạch.
Chế biến cà phê xuất khẩu tại Nhà máy chế biến cà phê của Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex. |
Cũng trong năm, Nhà máy Chế biến chỉ thun (Công ty Cao su Dak Lak) đi vào hoạt động đạt 1.500 tấn sản phẩm, kéo theo giá trị sản xuất, chế biến cao su theo đà tăng mạnh. Công nghiệp khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng - một trong những lĩnh vực tuy chiếm tỷ trọng không đáng kể trong cơ cấu toàn ngành (4,9%) nhưng cũng giữ được mức tăng trưởng khá, ổn định, với tổng giá trị sản xuất thực hiện 215 tỷ đồng, đạt 103,9% kế hoạch, tăng 2,4% so với năm 2010. Sản xuất vật liệu xây dựng là ngành mà theo dự báo đầu năm sẽ giảm so với năm 2010 do tình hình giảm đầu tư công và thắt chặt tín dụng, nhưng trong năm 2011 vẫn tiêu thụ mạnh do nhiều công trình đầu tư dở dang trên địa bàn tỉnh được rà soát đẩy nhanh tiến độ đầu tư; các công trình xây dựng dân dụng cũng phát triển mạnh mẽ tại các khu vực thành thị nên tổng giá trị sản xuất ngành vẫn tăng và vượt kế hoạch đề ra. Đối với công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước, khí đốt, tuy chỉ đạt 1.552 tỷ đồng (bằng 97,2% kế hoạch), nhưng tăng đến 31,1% so với năm 2010. Năm 2011, công nghiệp sản xuất điện không đạt kế hoạch như dự kiến do có thời điểm khô hạn và một số công trình thủy điện chậm tiến độ, nhưng vẫn có mức tăng trưởng cao là do các Thủy điện Buôn Kuốp (280Mw), Sêrêpôk 3 (220Mw), Sêrêpôk 4 (80Mw) hoàn thành vào cuối năm 2010 và hoạt động ổn định trong năm 2011; 4 công trình Thủy điện Ea Khar, Ea Tul 4, Ea M’Đoal 2, Ea Đrăng 2 với tổng công suất 19,4Mw đi vào hoạt động trong năm đã giúp tăng giá trị sản xuất điện, góp phần vào thành tích chung của ngành.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn như giá nguyên liệu đầu vào và giá nguyên liệu nhập khẩu tăng; khả năng tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp bị hạn chế; lãi suất ngân hàng luôn ở mức cao, lạm phát tăng… nhưng ngành công nghiệp vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 16,8%. Bên cạnh đó, con số trên 1.822 tỷ đồng đầu tư cho ngành công nghiệp, trong đó từ ngân sách 165,565 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn huy động từ các thành phần kinh tế, cũng là một minh chứng cho sự nỗ lực vượt khó của ngành trong năm qua. Với 39 dự án được thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, tập trung vào các ngành mũi nhọn của tỉnh như chế biến nông sản, cà phê, cao su… trong đó có 16 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, 23 dự án tiếp tục được đầu tư xây dựng và chuyển tiếp sang năm 2012 đã khẳng định sự chuyển biến tích cực về cơ cấu đầu tư. Đây chính là nỗ lực của toàn ngành trong một năm nền kinh tế đầy biến động và khó khăn.
YÊN NINH
Ý kiến bạn đọc