Multimedia Đọc Báo in

Làm giàu từ mô hình VAC

09:20, 06/12/2011

Năm 1985, rời quân ngũ, anh Nguyễn Thi Sách bộ đội hậu cầu của trung đoàn 51 cùng vợ con về lập nghiệp tại thôn 4, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột. Với bản chất cần cù, ham mê làm nông, anh cùng vợ đã biến mảnh đất hơn 1ha thành trang trại VAC đa canh, đa con rất hiệu quả.

Năm 1974, từ miền quê Nông Cống, Thanh Hóa, chàng trai Nguyễn Thi Sách (SN 1951) lên đường nhập ngũ và phục vụ trong ngành hậu cần của Quân khu 4. Đến năm 1975, anh Sách được điều động sang sư đoàn 33 vào tiếp quản Nông trường Phước An (Krông Pak), rồi sang trung đoàn 51 đóng quân ở huyện Ea Kar. Trong thời gian công tác tại trung đoàn 51, anh quen và lập gia đình với người con gái cùng quê Nông Cống là Lê Thị Xuân. Năm 1985, anh chuyển ngũ, về làm ở Công ty thủy sản Dak lak. Gom góp được ít tiền, mua được mảnh đất chừng hơn 1 ha ở thôn 4, xã Ea Kao, anh quyết định đưa cả gia đình về đây lập nghiệp. Những ngày đầu đặt chân đến Ea Kao, thấy đất đai rộng rãi, tươi tốt, nguồn nước thì dồi dào, anh nghĩ ngay hướng làm giàu: đào ao thả cá. Ban đầu, không có nhiều vốn nên anh chỉ đào ao nhỏ và nuôi các loại cá thịt như rô phi, trắm, mè, chép…, và trở thành người đi tiên phong trong việc xây dựng mô hình nuôi cá nước ngọt ở thôn 4.

Nhờ mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, mỗi năm anh Sách thu hoạch cả chục tấn cá.
Nhờ mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, mỗi năm anh Sách thu hoạch cả chục tấn cá.
Được một thời gian, thấy ngành thủy sản nơi đây phát triển mạnh, anh quyết định vay vốn đầu tư múc thêm nhiều ao hồ nuôi theo quy mô lớn. Đến nay, anh đã có 5 hồ nuôi cá với khoảng 4 sào được xây dựng bờ bao kiên cố. Ngoài nuôi cá thịt, anh còn xây dựng bể nuôi cá giống cung cấp cho những người nuôi cá trên địa bàn. Khi phong trào nuôi cá nơi đây phát triển mạnh, nhận thấy hộ gia đình nào cũng nuôi các loại cá giống nhau, ắt sẽ khó tránh khỏi việc sản phẩm bị cạnh tranh trên thị trường hoặc bị tiểu thương ép giá, anh nghĩ ra một hướng đi mới: ngoài nuôi các loại cá thương phẩm quen thuộc, anh mạnh dạn nuôi thêm các loại cá có giá trị kinh tế cao như diêu hồng, cá lăng đuôi đỏ và ba ba gai... Với hình thức nuôi đa con, đa canh như vậy nên quanh năm, trang trại thủy sản anh Sách lúc nào cũng có sản phẩm để thu hoạch. Anh cho biết: bắt đầu từ tháng 8 anh thả cá giống, đến khoảng tháng 12 giáp tết là có thể thu hoạch, bán rất được giá. Sau thu hoạch cá thịt, khoảng tháng 1 lại thả nuôi cá giống con để bán cho các vựa nuôi trong vùng. Tính trung bình, mỗi năm anh bán ra thị trường khoảng gần chục tấn cá thịt, và 5-6 tấn cá giống thu về hàng trăm triệu đồng. Ngoài nuôi cá, anh Sách còn xây dựng trang trại nuôi lợn và gà. Hiện anh có 3 dãy chuồng nuôi heo với gần trăm con heo thịt, mỗi năm xuất 9-10 tấn heo. Cũng như nuôi cá, để chủ động con giống, anh nuôi 6 heo nái mẹ để tự cung cấp, bổ sung con giống mà không phụ thuộc bên ngoài. Từ mô hình trang trại VAC này, mỗi năm gia đình cựu chiến binh Nguyễn Thi Sách thu về từ 200-300 triệu động. Cuộc sống ổn định, anh có điều kiện nuôi 4 người con ăn học trưởng thành; 2 người con lớn đã lập gia đình ra ở riêng; trong đó người con trai lớn cũng nối nghiệp cha làm trang trại.

Giờ đây, trang trại của anh Sách được nhiều người biết đến, trở thành điểm tham quan, học tập của nhiều nông dân, CCB trong tỉnh. Với bất kỳ ai đến tham quan, muốn vươn lên làm giàu bằng mô hình trang trại đều được anh tận tình hướng dẫn kỹ thuật, tư vấn, hỗ trợ con giống. Đơn cử như chi hội CCB thôn 4 với gần 80 hội viên, nhiều người nhờ học anh làm trang trại mà kinh tế gia đình vươn lên khá giả. Chi hội CCB thôn 4 nơi anh Sách sinh hoạt là chi hội có phong trào thi đua sản xuất giỏi sôi nổi nhất của Hội cựu chiến binh xã Ea Kao. Năm 2011, cá nhân anh Sách được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2007-2011.

Lê Tấn

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.