Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả mô hình sử dụng hầm Biogas ở Cư Êbur

05:41, 02/03/2012

Những năm gần đây, khi dịch bệnh trong chăn nuôi diễn ra phức tạp thì người chăn nuôi ngày càng quan tâm tới vấn đề xử lý chất thải, trong đó sử dụng hầm Biogas để xử lý chất thải được xem là một trong những mô hình hiệu quả. Cũng chính bởi ưu thế nguồn vốn đầu tư ban đầu nhỏ và đạt hiệu quả cao, mô hình sử dụng hầm Biogas ngày càng được bà con nông dân xã Cư Êbur (TP.Buôn Ma Thuột) quan tâm nhân rộng. 

Gia đình ông Trần Trọng Khánh ở thôn 2 là một trong những hộ đầu tiên xây dựng hầm Biogas tại xã Cư Êbur. Ông Khánh cho biết, năm 2006, sau khi được chính quyền địa phương giới thiệu về công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng mô hình hầm Biogas khép kín, gia đình ông đã đầu tư  xây dựng hầm Biogas dung tích 8 m3 với kinh phí 6 triệu đồng, trong đó 4 triệu đồng là nguồn vốn vay từ Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Nhờ vậy, toàn bộ chất thải từ trang trại chăn nuôi tổng hợp heo, bò, gà, vịt... của gia đình đã được xử lý hoàn toàn, bảo đảm vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh xảy ra trong chăn nuôi. Đồng thời, chất cặn bã sau khi xử lý được gia đình ông ủ với các phế phẩm nông nghiệp khác dùng làm phân bón, bình quân mỗi năm sản xuất được 40 khối phân, tương đương 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, mỗi năm ngoài thu nhập hàng trăm triệu đồng từ chăn nuôi, gia đình ông còn tiết kiệm được 5 bình gas, tương đương 2 triệu đồng.

Do chi phí đầu tư thấp nhưng hiệu quả cao, nên ngày càng nhiều nông dân sử dụng mô hình hầm Biogas.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Ngọc Huế ở thôn 8 cũng sử dụng hầm Biogas trong chăn nuôi. Nhờ hệ thống hầm Biogas, toàn bộ chất thải từ trang trại nuôi 100 con heo và 2.000 con vịt đã được xử lý làm phân bón và tận dụng khí gas làm chất đốt cho gia đình. Ông Huế cho biết, các chất thải sau khi được xử lý bằng hầm Biogas là nguồn phân bón sạch, được gia đình sử dụng để trồng rau và làm nguồn thức ăn cho cá, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất cho gia đình.

Theo thống kê của Hội Nông dân xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột), hiện nay toàn xã có hơn 300 hộ gia đình đã xây dựng hầm Biogas trong chăn nuôi. Hằng năm, cứ vào thời điểm cuối tháng 12 đến tháng 4, chính quyền địa phương lại phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai chương trình vay vốn đồng thời cử cán bộ kỹ thuật tới từng hộ gia đình xây dựng hầm Biogas khép kín để hỗ trợ người dân nếu có nhu cầu. Điều này nhằm góp phần tạo môi trường chăn nuôi sạch, hạn chế dịch bệnh đồng thời bảo đảm nguồn thu nhập cho người dân. Còn theo nhận xét của kỹ sư Phạm Hải Trung, Sở Khoa học Công nghệ thì chương trình xây dựng hầm Biogas khép kín ngày càng nhiều người dân sử dụng nhờ ưu thế chi phí đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế và môi trường lâu dài. Có thể nói, mô hình này không những nâng cao thu nhập từ chăn nuôi mà còn bảo vệ môi trường, đưa ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững.

Nguyễn Hường


Ý kiến bạn đọc