Multimedia Đọc Báo in

Làm giàu bằng mô hình nuôi heo

08:39, 14/04/2012

Sau khi xuất ngũ, năm 1991, anh Lê Công Toản quyết định rời Hà Tây (cũ) vào khối 8, thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Những ngày đầu, để có tiền đắp đổi qua ngày, anh phải đi cạo mủ cao su thuê, mùa khô thì làm nghề đào giếng, bữa có việc bữa không, cuộc sống vô cùng khó khăn.

Sau khi tích góp được một chút vốn, anh quyết định mua mảnh đất cạnh nông trường cao su để có nơi cắm dùi, ngày ngày chồng đi cạo mủ, vợ ở nhà nuôi heo. Sẵn có nghề nấu rượu truyền thống, mỗi ngày gia đình anh nấu hơn 50 kg gạo nếp làm rượu bỏ mối cho các cửa hàng, quán nhậu, phần bã hèm còn lại trộn với cám viên làm thức ăn cho heo. Hiện nay, mỗi năm, gia đình anh nuôi 3 lứa heo thịt với 120 con. Bình quân mỗi con heo khi xuất bán nặng 1 tạ, với giá 4,4 triệu đồng/tạ thì trừ mọi chi phí gia đình anh còn lãi gần 300 triệu đồng/năm. Anh Toản vui vẻ cho biết: “Nuôi heo không mất nhiều công sức. Bình thường sau 3 tháng là heo nặng khoảng 70 kg, có thể xuất bán ra thị trường. Nhưng thời điểm này cũng là đà của heo, bình quân mỗi ngày nặng thêm gần 1 kg. Vì thế, gia đình tôi giữ lại nuôi đến cỡ 1 tạ mới xuất bán, chi phí thức ăn tăng lên nhưng heo nhanh lớn nên lợi cao hơn”. Tuy vậy, cũng có khi gia đình anh “bạc mặt” vì heo bị bệnh, thua lỗ hàng chục triệu đồng tiền giống, thức ăn và công chăm sóc. Cụ thể, năm 2001, gia đình bị mất sạch 40 con heo thịt, ước thiệt hại 20 triệu đồng. Hay năm 2007, đàn heo 30 con mới gây được 1 tháng của gia đình đang khỏe mạnh thì bỗng nhiên bỏ ăn sau đó lăn ra chết do bị bệnh tụ huyết trùng, bao nhiêu công sức, tiền của mất sạch.

Để bảo đảm bảo môi trường sống cho gia đình và những hộ lân cận, năm 2009 anh Toản đã đầu tư 12 triệu đồng xây dựng hầm Biogas dung tích 16 m3. Từ đó đến nay, môi trường chăn nuôi được đảm bảo, heo ít dịch bệnh hơn, đồng thời, gia đình anh còn chủ động được chất đốt để nấu rượu, tiết kiệm chi phí mua củi. Không những thế, gia đình anh còn cho ba gia đình hàng xóm sử dụng khí gas từ hầm Biogas làm chất đốt. Còn chất thải sau khi qua xử lý dùng để trồng rau và cho các hộ khác ủ với phế phẩm nông nghiệp khác làm phân vi sinh bón cho cây cà phê. Anh Toản còn dự định trong thời gian tới sẽ chuyển sang chăn nuôi heo nái để cung cấp heo con cho bà con.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Lê Công Toản còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, giúp vốn và heo giống cho bà con trong xã. Nhiều năm liền, gia đình anh luôn đạt danh hiệu nông dân làm kinh tế giỏi.

Nguyễn Hường


Ý kiến bạn đọc