Multimedia Đọc Báo in

Sửa đường theo kiểu... vá áo!

08:37, 04/04/2012

Hiện nay, nhiều tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh đã xuống cấp, hư hỏng, cần nâng cấp, tu sửa để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh. Tuy nhiên do nguồn vốn khó khăn, việc tu sửa, nâng cấp đường vẫn phải tiến hành theo kiểu “giật gấu vá vai”, hư đâu, sửa đó…nên hiệu quả không cao, thậm chí còn gây lãng phí nguồn vốn!

Sửa chữa Quốc lộ 26.

Quốc lộ (QL) 26 có nhiều đoạn đã xuống cấp, đặc biệt là những đoạn được thảm nhựa lần gần đây nhất (từ năm 2002) qua các thị trấn Phước An (huyện Krông Pak), Ea Kar, Ea Knốp (huyện Ea Kar), M’Drak (huyện M’Drak) và đoạn từ thị trấn Phước An đến phường Tân Hòa (TP. Buôn Ma Thuột), mà nguyên nhân chính là do kinh phí sửa chữa, nâng cấp không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng đường bộ 26 - đơn vị quản lý QL 26 - cho biết: do thiếu kinh phí nên đơn vị phải cố gắng xoay xở theo kiểu “liệu cơm gắp mắm”, hư đâu sửa đó, đoạn nào bị hư nặng thì ưu tiên sửa trước hoặc lựa chọn phương án thi công phù hợp với số vốn có được. Được biết, hàng năm ngoài kinh phí duy tu, bảo dưỡng thường xuyên (những năm gần đây, bình quân khoảng 4-5 tỷ đồng/năm) thì kinh phí sửa chữa, nâng cấp các hạng mục của đường chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu thực tế. Riêng năm nay, theo kết quả khảo sát thực trạng chất lượng đường, công ty đã đề xuất Khu quản lý đường bộ 5 cấp hơn 30 tỷ đồng để sửa chữa 10 đoạn trên tuyến đường này (đoạn qua Dak Lak) nhưng theo dự báo của đơn vị thì có thể chỉ được đáp ứng khoảng 10 tỷ đồng. Ông Tiến cũng cho rằng, việc nâng cấp, sửa chữa cùng lúc toàn tuyến đường là không thể, do số vốn quá lớn nên phải chấp nhận tình trạng sửa chữa chắp vá, thiếu đồng bộ, dẫn đến chất lượng không thể bảo đảm lâu dài.

Tương tự, việc sửa chữa các đoạn xuống cấp, hư hỏng trên QL 14 cũng theo kiểu chữa cháy. Ví dụ, đoạn từ Km 3,5 đến Bến xe liên tỉnh (TP. Buôn Ma Thuột) dài gần 2 km mới được thảm nhựa xong từ giữa năm 2011, nhưng đến cuối năm đã xuống cấp, mặt đường trồi sụt, được đơn vị quản lý sửa chữa bằng giải pháp cắt, đục những chỗ xuống cấp để vá lại. Một kỹ sư cầu đường cho rằng, việc xử lý như thế thì dù có đắp cốt thép, hay đổ bê tông tại chỗ thì sự liên kết giữa những mép cắt bê tông nhựa cũ và mới không thể bảo đảm tính lâu dài; thậm chí có chỗ sau khi “vá” được một thời gian sẽ bị thấm nước dẫn đến hư hỏng tiếp. Vì vậy, để trả lại hiện trạng đường bảo đảm chất lượng thì khi sửa chữa phải xử lý tốt móng đường kiên cố, sau đó mới thảm nhựa để tránh sụt lún.

Trong khi đó, việc sửa chữa, nâng cấp các tuyến tỉnh lộ (TL) trên địa bàn tỉnh cũng rất khó khăn do thiếu vốn. Theo mục tiêu của ngành giao thông vận tải Dak Lak, đến năm 2015, toàn bộ hệ thống TL sẽ được nhựa hóa. Tuy nhiên hiện nay tỷ lệ này mới đạt hơn 80%; một số tuyến sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp nhưng nguồn kinh phí rất hạn chế. Thêm vào đó, có những dự án, nâng cấp, sửa chữa bị ngưng triển khai do tác động bởi việc thực hiện Nghị quyết 11 về cắt giảm đầu tư công của Chính phủ, nên nguồn vốn để tu sửa các tuyến TL chỉ là 16,7 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào các dự án có tính chất cấp bách (9/13 tuyến), trong khi nhu cầu thực tế lên đến cả trăm tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Xuân, Trưởng phòng Giao thông, Sở Giao thông Vận tải cho biết: do nguồn vốn đầu tư cho nâng cấp, tu sửa TL chỉ được bố trí nhỏ giọt nên triển khai chỉ có thể tiến hành từng gói nhỏ; ngành giao thông phải áp dụng giải pháp tạm thời là “hư đâu vá đó” để giảm đến mức thấp nhất khó khăn trong đi lại, giao thương của người dân.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc