Vốn tín dụng chính sách: “Bà đỡ” của hộ nghèo và hộ chính sách
Mười năm qua, toàn tỉnh đã có hàng trăm nghìn lượt hộ nghèo, hộ chính sách được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Dak Lak. Nhờ nguồn vốn này, rất nhiều gia đình đã vươn lên thoát đói nghèo, tiến tới làm giàu.
Làm thủ tục vay vốn tại điểm giải ngân lưu động. |
Thực tế cho thấy, đồng vốn tín dụng chính sách cho vay từ hệ thống NHCSXH Dak Lak đã và đang đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển của địa phương. Trong 10 năm qua, mỗi chương trình cho vay có kết quả khác nhau nhưng nhìn chung đều cùng mục tiêu góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho hộ nghèo, hộ chính sách. Chẳng hạn, vốn tín dụng chính sách của chương trình cho vay hộ nghèo đã giúp 318 nghìn lượt hộ có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo một cách hiệu quả; chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm giúp 11.280 hộ gia đình tạo được việc làm cho gia đình và nhiều lao động phổ thông ở địa phương; chương trình cho vay học sinh-sinh viên (HS-SV) giúp gần 59.000 HS-SV của 50.530 gia đình được tiếp tục đến trường, thực hiện ước mơ học tập; chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn giúp hơn 45.000 hộ ở vùng khó khăn có thêm điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống và góp phần thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo giữa các vùng; chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở giúp 13.420 hộ khó khăn về nhà ở có điều kiện xây dựng nhà mới…
Một trong những chương trình cho vay của Chi nhánh NHCSXH tỉnh có dư nợ cao nhất, đồng thời được đông đảo quần chúng nhân dân đánh giá cao, là chương trình cho vay hộ nghèo. Từ đồng vốn vay, các hộ nghèo, đối tượng chính sách đã có thêm điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Câu chuyện thoát nghèo của gia đình bà Hồ Thị Kim Phương (thôn 5, xã Ea Lê, huyện Ea Súp) là một minh chứng sinh động: Vợ chồng bà Phương rời Đà Nẵng và Dak Lak xây dựng kinh tế mới từ năm 1980. Cái đói, cái nghèo đeo bám gia đình bà suốt hơn 20 năm trời và chỉ đến năm 2007 khi gia đình bà được vay 13 triệu đồng từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ea Súp theo chương trình cho vay hộ nghèo thì cuộc sống mới thật sự đổi thay. Bà dùng số tiền này để chăn nuôi trâu và sản xuất ngô lai. Do không phải vay nóng từng đồng để đầu tư sản xuất, nên thu nhập tích cóp mỗi năm một ít, chỉ sau 3 năm gia đình đã thoát được nghèo, trả hết nợ gốc lẫn lãi cho ngân hàng.
Tìm hiểu quá trình vươn lên thoát khỏi đói nghèo của nhiều hộ được vay vốn cho thấy: Nghèo khó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là thiếu vốn sản xuất kinh doanh. Thông thường, các hộ nghèo, đặc biệt là các hộ ở vùng sâu, vùng xa khó có cơ hội vay được vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại do không có tài sản thế chấp. Do không có vốn, mọi chi phí sản xuất đều phải đi vay từ khu vực dân cư; số tiền vay được không nhiều nhưng lãi suất rất cao, có khi đến vài trăm phần trăm mỗi tháng… nên việc đầu tư sản xuất kinh doanh càng thêm khó khăn, lợi nhuận thu được sau mỗi mùa vụ thu hoạch đôi khi không đủ để trả nợ và lãi, nói chi đến chuyện để dành hoặc tái đầu tư. Cứ như vậy, người nghèo bị trói chặt vào vòng luẩn quẩn: không có vốn buộc phải đi vay nóng, thu nhập không đủ trả nợ khiến lãi mẹ đẻ lãi con, nợ nhiều nên thiếu hụt vốn để đầu tư sản xuất, không đầu tư tốt thì thu nhập kém đi, muốn có tiền đầu tư lại phải đi vay nóng… Cái vòng luẩn quẩn này ngày một siết chặt hơn, người nghèo không dễ gì thoát ra khỏi đói nghèo. Chính vì thế, khi tiếp cận được vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi, các hộ nghèo như được “cần câu”, chỉ cần chăm chỉ “câu” là có thể kiếm được “cá”, và sau một thời gian ngắn sẽ có tích lũy.
Theo số liệu thống kế của cơ quan chuyên môn, 10 năm qua toàn tỉnh đã có hơn 107.200 hộ thoát nghèo. Có được kết quả này, bên cạnh sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên của chính các hộ nghèo, không thể không kể đến vai trò “giúp sức”, “trợ lực” của đồng vốn tín dụng chính sách được giải ngân cho vay ra từ Chi nhánh NHCSXH Dak Lak, một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của Chi nhánh NHCSXH Dak Lak là tiếp tục cho vay các chương trình tín dụng đã được giao, trong đó ưu tiên cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số; phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng dư nợ hàng năm khoảng 10% (bằng mức bình quân chung của cả nước)…
10 năm qua, tổng doanh số cho vay hộ nghèo đạt 2.544 tỷ đồng với 318.000 lượt hộ vay vốn; cho vay chương trình giải quyết việc làm đạt 169 tỷ đồng với 11.280 lượt hộ vay vốn; cho vay HS-SV 1.175 tỷ đồng với gần 58.960 HS-SV được thụ hưởng; cho vay xuất khẩu lao động 11 tỷ đồng với 550 lượt hộ vay; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 336 tỷ đồng với hơn 67.250 lượt hộ vay; cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn hơn 900 tỷ đồng với 45.070 lượt hộ vay; cho vay hộ nghèo về nhà ở 107 tỷ đồng với 13.420 hộ vay; cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn 17 tỷ đồng với 3.450 lượt hộ vay; cho vay thương nhân vùng khó khăn gần 18 tỷ đồng với 887 lượt hộ vay.
Lê Ngọc
Ý kiến bạn đọc