Multimedia Đọc Báo in

Điều chỉnh, kiểm soát kế hoạch sản xuất để ổn định ngành cà phê trong dài hạn

08:33, 04/12/2013

Dak Lak đang bước vào vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2013-2014. Doanh nghiệp và người dân trực tiếp trồng, sản xuất cà phê đang có nhiều mối trăn trở khi giá cà phê ngày càng không ổn định, đặc biệt giảm sâu ở giai đoạn hiện nay. Ông TRỊNH ĐỨC MINH, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã có một vài chia sẻ xoay quanh những trăn trở này qua cuộc trao đổi với phóng viên Báo Dak Lak.

°Thưa ông, chúng ta đang chứng kiến sự tụt giảm sâu của giá cà phê. Qua thực tế, chúng tôi nhận thấy sản lượng cà phê không đồng đều tại các vườn. Vậy theo ông, đâu là những nguyên nhân chính của tình trạng trên?

- Theo dự báo của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, tổng sản lượng cà phê niên vụ 2013-2014 khoảng 432 nghìn tấn, giảm so với niên vụ 2012-2013 (đạt 487 nghìn tấn). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này, trong đó trước hết là do yếu tố thời tiết. Vụ đông xuân 2012-2013 là mùa khô khốc liệt của Dak Lak, có 28 nghìn héc-ta chịu ảnh hưởng của khô hạn, trong đó 278 ha mất trắng, diện tích còn lại năng suất giảm khoảng 30%. Đầu mùa mưa, vào tháng 5, tháng 6, lượng mưa ít, làm cà phê ở thời điểm chuẩn bị cho giai đoạn thu hoạch, hạt nhỏ lại. Năm 2013, tình hình vật tư đầu vào và giá nhân công tăng, chính vì vậy, sự đầu tư của nông dân trên vườn cà phê có thể không bằng năm trước. Bên cạnh đó, nhiều vườn cà phê đã già cỗi, trên 20 năm. Theo kế hoạch đến năm 2020, có 66 nghìn héc-ta cần phải chuyển đổi và tái canh. Riêng năm 2013, diện tích tái canh là 3 nghìn héc-ta. Điều này cũng là yếu tố làm sản lượng cà phê.

Cần nhiều chính sách quy hoạch, hỗ trợ, đầu tư để ngành cà phê ổn định và phát triển bền vững.
Cần nhiều chính sách quy hoạch, hỗ trợ, đầu tư để ngành cà phê ổn định và phát triển bền vững.

Còn về câu chuyện giá cà phê, qua theo dõi, tôi được biết, kể từ tháng 8-2013, giá cà phê liên tục giảm từ 41-42 nghìn đồng/kg, xuống xoay quanh ở mức 31-31 nghìn đồng/kg. Đây là mức giảm giá sâu và thấp nhất trong vòng 4 năm kể từ tháng 3-2009. Giá cà phê xuống thấp, trước hết là do quy luật cung cầu, cũng như tất cả hàng hóa nông sản khác. Niên vụ 2012-2013, cung trong ngành cà phê là 145,2 triệu bao, trong lúc cầu là 132 triệu bao, tức thặng dư 3 triệu bao. Thêm nữa, vụ thu hoạch cà phê của Braxin vừa xong hồi giữa năm 2013 cộng với vụ cà phê của Columbia cũng được mùa khiến giá cà phê chè xuống thấp và hệ lụy kéo cà phê robusta xuống bởi thay vì mua cà phê robusta, người ta mua cà phê chè để hưởng giá thấp. Nói tóm lại, Việt Nam đã hội nhập sâu vào thế giới nên giá cà phê thế giới xuống thấp thì giá nội địa cũng không thể khác được.

°Nông dân làm cà phê là người đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết cà phê bán ra thị trường, ông có lời khuyên nào với bà con?

-Tôi xin thẳng thắn thế này, bà con nông dân, không nên có tư tưởng đầu cơ. Khi tính toán, cân đối có thể bù đắp chi phí thì nên bán, không nên đợi giá cao mới bán để hưởng chênh lệch lớn; cần tới đâu bán tới đó, không nên bán ồ ạt.

*Còn về phía doanh nghiệp kinh doanh cà phê, theo ông họ sẽ phải đối mặt với những khó khăn như thế nào trong bối cảnh ngành cà phê hiện nay?

-Trong bối cảnh giá cà phê không ổn định, có xu hướng giảm liên tục thì việc kinh doanh xuất khẩu gặp nhiều rủi ro. Lý do là bởi các doanh nghiệp khó dự báo giá cả, khó xác định chiến lược kinh doanh nên mua hàng khi nào, giá cả bao nhiêu, việc xuất khẩu ra sao. Một khó khăn khác là về vốn kinh doanh. Kinh doanh cà phê đòi hỏi vốn cà phê rất lớn, nhất là vào vụ thu hoạch, trong khi nguồn vốn của hầu hết doanh nghiệp phụ thuộc vào ngân hàng. Ngân hàng cũng có chủ trương giãn nợ cho các doanh nghiệp kinh doanh cà phê với các món nợ cũ trước đây có lãi suất 16-17%/năm, thậm chí 20%/năm. Với các khoản vay mới để sản xuất kinh doanh cà phê, mức lãi suất cũng vào khoảng 10-12%/năm. Trong bối cảnh hiện nay, mức lãi suất này còn khá cao, việc quyết định vay hay không với doanh nghiệp cũng là cả bài toán lớn.

°Vậy theo ông, về dài hạn sẽ cần những liệu pháp nào để tháo gỡ cho những khó khăn trong ngành cà phê hiện nay?

-Sẽ không có gì mới, tôi chỉ xin khẳng định thêm về những gì mà chúng ta đã, đang và sẽ làm. Những bất cập, điểm yếu trong ngành cà phê hiện nay không thể điều chỉnh một sớm một chiều. Vấn đề ở đây là việc điều chỉnh, kiểm soát kế hoạch sản xuất, từng quốc gia sản xuất dư thừa thì càng làm giá cà phê xuống thấp. Việt Nam cũng có kế hoạch sản xuất, bảo đảm diện tích cà phê ở mức 500 nghìn ha, riêng Dak lak là 170-180 nghìn héc-ta, nhưng hiện đã ở mức trên 200 nghìn héc-ta. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ưu tiên cho Dak Lak nguồn vốn tái canh cho cà phê hơn 3.000 tỷ đồng nhưng theo tôi được biết việc giải ngân nguồn vốn này của ngân hàng còn khiêm tốn. Đẩy nhanh tiến độ cho vay hỗ trợ nông dân tái canh cũng là biện pháp để sớm cải thiện năng suất, chất lượng cà phê; giải quyết khó khăn về vốn đầu tư cho nông dân, giảm áp lực phải bán cà phê ồ ạt đầu vụ, khiến giá cà phê xuống thấp. Bên cạnh đó, nếu chúng ta có một ngành hàng tốt, tổ chức sản xuất tốt, dự báo dài hạn tốt mang tính định hướng thì nông dân sẽ không phải tự quyết định trong việc bán như cà phê hiện nay.

°Xin cảm ơn ông!

Đàm Thuần (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc