Multimedia Đọc Báo in

Lời giải nào cho bài toán nợ đọng xây dựng cơ bản?

13:52, 17/01/2014

Những khó khăn của nền kinh tế trong năm 2013 đã tác động không nhỏ đến hoạt động xây dựng cơ bản (XDCB), đáng chú ý là số tiền nợ đọng khá lớn. Điều đó đặt ra bài toán sử dụng, giải ngân nguồn vốn XDCB năm 2014 sao cho phù hợp, hiệu quả hơn.

Giải ngân đạt thấp, nợ đọng lớn

Theo thống kê của UBND tỉnh, tính đến hết tháng 11 năm 2013, tổng nguồn vốn đầu tư XDCB thuộc ngân sách Nhà nước đã giao kế hoạch là 2.667,358 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn giao đầu năm: 2.378,925 tỷ đồng; vốn bổ sung: 288,433 tỷ đồng. Đánh giá thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Khóa VIII cho thấy: Công tác chỉ đạo, điều hành đã hạn chế việc mở mới các công trình, dự án khi chưa xác định được nguồn vốn; những công trình mở mới trong năm 2013 hầu hết nằm trong Nghị quyết của HĐND tỉnh. UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện tốt các quy định của Chính phủ về tập trung trả nợ; đã tổ chức đoàn đi kiểm tra rà soát, cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và chất lượng công trình có sự chuyển biến tích cực; công tác quản lý chất lượng công trình đã được quan tâm và dần đi vào nền nếp.

 Năm 2013, xây dựng cơ bản đối mặt với không ít khó khăn.
 Năm 2013, xây dựng cơ bản đối mặt với không ít khó khăn.

Tuy nhiên, trong việc triển khai vốn XDCB năm 2013, tính đến hết tháng 10-2013 mới chỉ giải ngân được 1.553,955 tỷ đồng, đạt 58,48% kế hoạch, chậm hơn so với cùng kỳ năm 2012. Nguyên nhân giải ngân chậm chủ yếu được xác định: Hầu hết dự án mở mới trong năm 2013 tiến độ thực hiện chậm, đến quý III mới tổ chức đấu thầu, khởi công do chủ đầu tư chưa chủ động triển khai thủ tục ngay sau khi được giao kế hoạch vốn, nhất là các dự án mở mới có số vốn lớn… Một số dự án còn vướng mắc trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên chậm triển khai thi công. Các công trình chuyển tiếp có số vốn đầu tư lớn nhưng tiến độ thực hiện chậm hoặc vướng mắc trong giải phóng mặt bằng như: Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, đường liên huyện Ea H’leo – Ea Súp, đường tránh phía Tây TP. Buôn Ma Thuột. Một số công trình có số dư tạm ứng lớn song tiến độ thanh toán khối lượng hoàn ứng rất chậm, tập trung tại các chủ đầu tư: Sở Giao thông – Vận tải, UBND các huyện: Krông Bông, Lak, Ea Súp, Krông Năng. Tình hình nợ khối lượng trong XDCB còn diễn ra nhiều, chưa được khắc phục; nhiều công trình cho ứng vốn nhiều năm nhưng chưa có khối lượng thanh toán và chưa chỉ đạo xử lý một cách triệt để. Nợ đọng XDCB còn lớn, vào khoảng 1.786,23 tỷ đồng với 339 dự án. Trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương là 109 dự án với số vốn còn nợ khối lượng chưa bố trí là 596,82 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương 200 dự án với số vốn còn nợ khối lượng chưa bố trí 984,75 tỷ đồng và nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 30 dự án với số vốn còn nợ khối lượng chưa bố trí là 204,66 tỷ đồng.

Trả nợ theo thứ tự ưu tiên

Theo tờ trình của UBND tỉnh được HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Khóa VIII thì kế hoạch vốn đầu tư XDCB năm 2014 gồm: Trung ương giao 1.231,030 tỷ đồng, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh giao 1.461,03 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương là 777,40 tỷ đồng và nguồn ngân sách Trung ương dự kiến hỗ trợ đầu tư 683,59 tỷ đồng. Để sử dụng, giải ngân kịp thời bảo đảm tiến độ nguồn vốn XDCB trong năm 2014,  UBND tỉnh đã được HĐND tỉnh thống nhất phương án trả nợ một phần gồm phí tạm ứng tồn ngân Kho bạc Nhà nước và nợ vay tín dụng ưu đãi; số nợ còn thiếu đề nghị Trung ương cho giãn nợ. Việc xây dựng, phân bổ kế hoạch vốn đầu tư XDCB thực hiện theo nguyên tắc: Thực hiện việc ưu tiên nguồn vốn để xử lý nợ đọng trong kế hoạch phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách địa phương, coi đây là chỉ tiêu bắt buộc trong quy trình tổng hợp, bố trí và giao kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách địa phương. Cụ thể, vốn để xử lý nợ đọng sẽ bố trí theo thứ tự ưu tiên: Bố trí vốn cho các công trình đã quyết toán, vốn cho công trình đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng; vốn cho công trình chuyển tiếp; ngoài việc mở mới những công trình thật sự cần thiết, cấp bách do thiên tai gây ra làm ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân và của Nhà nước, chỉ mở mới những công trình, dự án sau khi đã bố trí đủ vốn để xử lý nợ đọng cho các công trình theo thứ tự trên.

Cũng theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng số các công trình đã có quyết toán đến năm 2013 do ngân sách tỉnh bố trí cần phải trả là 194 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn vốn bố trí cho trả nợ các công trình đã quyết toán và chuyển tiếp năm 2014 chỉ có 106 tỷ đồng. Theo đó, các đại biểu HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh phân chia việc trả nợ theo hướng: Đối với các công trình đã quyết toán năm 2011 trở về trước thì bố trí trả đủ 100% số vốn còn thiếu; còn lại phân chia theo tỷ lệ hợp lý cho các công trình đã quyết toán các năm 2012, 2013 và đề nghị những công trình có quyết toán năm 2012 còn nợ ít từ dưới 500 triệu đồng đề nghị trả dứt điểm.

Trước tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản năm 2013 lớn, Ban Kinh tế và Ngân sách đề nghị HĐND tỉnh khi giao kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2014 yêu cầu UBND tỉnh trình danh mục kế hoạch đầu tư xây dựng đầu năm đồng thời kèm theo danh mục dự kiến trả nợ xây dựng cơ bản trong năm khi có nguồn vốn vay, nguồn phát sinh.

 Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc