Multimedia Đọc Báo in

Người dân chưa an tâm về dịch vụ ngân hàng

09:37, 29/09/2016

Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã và đang cung cấp các giải pháp đáp ứng nhu cầu giao dịch tài chính hiện đại, nhưng kéo theo đó là hàng loạt sự cố liên quan khiến nhiều người lo ngại.

Một trong những dịch vụ được sử dụng thông dụng nhất hiện nay là mở tài khoản tiền gửi  tại các ngân hàng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh được 32.258 tỷ đồng, chiếm 99,9% nguồn vốn huy động, tăng 19,8% so với đầu năm. Điều đó cho thấy, trong giai đoạn mà các hình thức kinh doanh đang tiềm ẩn nhiều rủi ro thì gửi tiền vào ngân hàng vẫn được xem là “kênh đầu tư” hiệu quả nhất.

Bên cạnh yếu tố lợi nhuận thông qua việc hưởng lãi suất, an toàn cũng là yếu tố được nhiều người quan tâm và đặt niềm tin vào ngân hàng, bởi với vai trò giữ hộ, không thể có tổ chức nào làm tốt hơn ngân hàng. Thế nhưng, niềm tin ấy đang bị “lung lay” sau hàng loạt sự cố khách hàng bỗng dưng mất tiền trong tài khoản. Có thể kể ra đây những vụ mất tiền gây xôn xao dư luận thời gian gần đây: một khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh bị biến mất 26 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank),  một khách hàng tại Hà Nội bỗng dưng mất 500 triệu đồng trong tài khoản mở tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), cũng tại Hà Nội, một khách hàng khác lại “tố” bị mất 4 tỷ đồng trong tài khoản của mình tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)… Trong tất cả những vụ việc trên, điều dễ nhận thấy nhất là phía các ngân hàng đều nhanh chóng rũ bỏ trách nhiệm đối với khách hàng, và để mong lấy lại tiền của mình, khách hàng lại phải rơi vào vòng xoáy kiện tụng tốn kém thời gian, tiền bạc và luôn rơi vào cảnh “bắt được vạ thì má đã sưng”.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Đông Á.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Đông Á.

Trong khi đó, một dịch vụ ngân hàng khác cũng đang rất phổ biến là thẻ rút tiền tự động (ATM) cũng đã xảy ra nhiều sự cố không hay. Không chỉ than phiền về chất lượng giao dịch, gần đây số vụ khiếu nại mất tiền từ thẻ ATM cũng tăng dần. Thế nhưng, với lập luận “giao dịch thành công”, “máy không thể nhầm lẫn”... thì đến nay, chưa có chủ thẻ nào đủ cơ sở để phản bác. Trong khi đó, mỗi khi có sự cố thì NHNN (cơ quan quản lý Nhà nước cấp phép cho các ngân hàng được cung cấp các dịch vụ thẻ) không đủ thẩm quyền giám sát và phải đứng ngoài cuộc, vì trong quy chế phát hành thẻ do NHNN ban hành, không có điều khoản nào buộc các ngân hàng phải bảo đảm chất lượng dịch vụ. NHNN chỉ làm một việc là cấp phép, các vấn đề nảy sinh sau đó như chất lượng dịch vụ, bảo vệ quyền lợi chủ thẻ sẽ do ngân hàng và chủ thẻ tự giải quyết. Vì vậy, mỗi khi mất tiền, chủ thẻ ATM phải tự “đánh vật” với nhà cung cấp dịch vụ để bảo vệ quyền lợi của mình, và đương nhiên phần thiệt luôn rơi vào khách hàng.

Trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực xây dựng nền kinh tế không dùng tiền mặt, những sự cố trên và cách giải quyết của phía ngân hàng đang thực sự làm khách hàng phải “ngán ngẩm”.

Theo NHNN Chi nhánh Đắk Lắk, đến nay trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra tình trạng khách hàng mất tiền trong tài khoản. Tuy nhiên, sau những sự cố ở các địa phương khác, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường công tác bảo mật và các biện pháp an toàn nhất. 

Quốc Anh


Ý kiến bạn đọc