Multimedia Đọc Báo in

Người dân huyện M'Đrắk "gồng mình" chống hạn giữa mùa mưa

08:48, 12/09/2016

Thời điểm này, tại các địa phương trong tỉnh đều đã vào cao điểm mùa mưa, nhưng riêng đối với địa bàn huyện M’Đrắk, tình hình khô hạn vẫn đang diễn ra gay gắt khiến đời sống, sinh hoạt của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Đổ xô khoan giếng

Những ngày này, gia đình ông Y Den Bya ở buôn M’Luych A, xã Krông Jing đang chạy đôn chạy đáo thuê người khoan giếng. Ông Y Den cho biết, giếng đào sâu 20 m của nhà ông chưa bao giờ bị cạn. Vậy mà năm nay giếng không còn giọt nước nào. Vì vậy, gia đình ông quyết định thuê người khoan giếng để lấy nước sinh hoạt. Cách đó khoảng 200 m, gia đình ông Y Xiên Niê cũng đang thuê người khoan giếng, Tuy nhiên, việc khoan giếng những ngày này cũng rất khó khăn, Y Xiên phải đi đến xã khác để mua từng phuy nước về lấy nước mồi cho máy khoan giếng.

Ông Y Tăng Niê, Chủ tịch UBND xã Krông Jing cho hay, hiện nay toàn xã có khoảng 150 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, trầm trọng nhất là ở các buôn M’Luych A, buôn Tai và buôn Hoăng. Hầu hết các giếng đào trên địa bàn các buôn này đều cạn nước. Xã Krông Jing được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 công trình nước sinh hoạt tập trung theo Chương trình 135 từ năm 2010 tại buôn M’Suốt và buôn Găm nhưng đến nay đã hư hỏng không sử đụng được. Hiện xã đang kiến nghị UBND huyện bố trí kinh phí sửa chữa để phần nào đáp ứng “cơn khát” cho người dân.

Ông Y Den Bya ở buôn M’luych A, xã Krông Jing đang khoan giếng tìm nguồn nước sinh hoạt
Ông Y Den Bya ở buôn M’luych A, xã Krông Jing đang khoan giếng tìm nguồn nước sinh hoạt

Ông Nguyễn Trí Hải, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện M’Đrắk cho biết, hằng năm, mùa mưa ở huyện M’Đrắk thường đến muộn hơn các địa phương khác trong tỉnh chừng 2 tháng (khoảng đầu tháng 8 dương lịch là có mưa). Tuy nhiên năm nay, đến thời điểm này trên địa bàn huyện vẫn chưa được đón trận mưa nào. Tình trạng khô hạn diễn ra trên diện rộng khiến hàng trăm hộ dân tại hầu hết các xã trong huyện đang phải khốn đốn. Nhiều giếng đào bị trơ đáy, buộc người dân phải đổ xô khoan giếng để tìm nguồn nước phục vụ sinh hoạt.

Nhiều diện tích cây trồng bị khô hạn

Nhìn vườn cà phê mới trồng đang héo úa, đất nứt nẻ vì thiếu nước, bà Võ Thị Châu ở thôn 18, xã Ea Riêng than thở: “Chưa năm nào hạn hán lại kéo dài và gay gắt như năm nay. Gia đình tôi mới trồng tái canh được 3 sào cà phê cách đây hơn 2 tháng, nhưng do thiếu nước tưới nên cây còi cọc, đang bị héo úa. Giếng nước của gia đình những năm trước luôn bảo đảm tưới đủ cho cả héc ta cà phê kinh doanh nhưng đến nay cũng đã cạn…” Bà Châu đã thuê người đào giếng sâu thêm 5 m nữa nhưng cũng chỉ bơm được 30 phút là trơ đáy. Theo thống kê của UBND xã Ea Riêng, hiện trên địa bàn xã có khoảng 25 ha cây trồng bị khô hạn, nếu thời gian tới không có mưa thì số cây trồng này cũng sẽ mất trắng.

Nhiều hộ dân tại xã Krông Jing ngoài việc chật vật tìm nguồn nước sinh hoạt thì cũng đang phải chắt chiu từng giọt nước để cứu cây trồng. Hiện trên địa bàn xã đã có 230 ha cây trồng bị ảnh hưởng do hạn hán, trong đó có trên 100 ha cây trồng không còn cứu vãn được. Theo Chủ tịch UBND xã Y Tăng Niê, địa phương có 5 công trình đập thủy lợi là đập Ea Pôi, Ea Kpăl, Ea Mroh, Ea Ktul, Ea Tlư đến nay cũng đang ở mực nước “chết”; nhiều suối đã trơ đáy. Những hộ trồng tiêu, sầu riêng, bơ (những cây trồng có giá trị kinh tế cao) gần các đập chứa đang ra sức bơm sang kênh dẫn để tưới, còn những hộ trồng lúa, ngô, hoa màu phía cuối kênh dẫn thì khó hy vọng có được nguồn nước tưới.

Ông Nguyễn Trí Hải cho hay, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra, Phòng NN-PTNT huyện đã thường xuyên kiểm tra và yêu cầu các đơn vị quản lý công trình thủy lợi phải cân đối kỹ lượng nước để bơm tưới cho cây trồng phù hợp. Đồng thời, tiếp tục khảo sát, vận động người dân tận dụng tối đa nguồn nước từ các sông suối, ao hồ nhỏ để lắp đặt bơm chống hạn. Hiện, Phòng NN-PTNT huyện đang phối hợp với các địa phương rà soát, thống kê số hộ thiếu nước sinh hoạt và diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do hạn, nhất là những diện tích mất trắng để có văn bản đề xuất, tham mưu UBND huyện M’Đrắk kịp thời có biện pháp hỗ trợ, giúp bà con ổn định đời sống, phát triển sản xuất.     

Theo thống kê sơ bộ của Phòng NN-PTNT huyện M’Đrắk thì đến thời điểm này, toàn huyện đã có khoảng 1.555 ha cây trồng vụ hè thu bị khô hạn, nhất là các loại cây trồng như lúa (326 ha), ngô (557 ha), đậu đỗ (312 ha), vừng 360 ha…Trên địa bàn huyện có 58 công trình hồ, đập thủy lợi nhưng đến nay hầu hết đã cạn nước, các suối cũng không còn dòng chảy khiến việc sản xuất của người dân lâm vào cảnh khốn khó.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc