Multimedia Đọc Báo in

Nhiều khó khăn trong quản lý hoạt động bán hàng đa cấp

14:38, 11/09/2016

Trên địa bàn tỉnh, thời gian qua có hàng trăm người “sập bẫy” các chiêu trò lừa đảo trong bán hàng đa cấp (BHĐC). Tuy nhiên, việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động này của cơ quan chức năng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 25 doanh nghiệp (DN) thông báo hoạt động BHĐC (tăng 5 DN so với năm 2014) với mạng lưới hàng nghìn người tham gia BHĐC. Hầu hết các DN này đều có trụ sở ở các tỉnh khác như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Giang… và không đăng ký địa điểm kinh doanh tại địa phương. Các mặt hàng kinh doanh chủ yếu là thực phẩm chức năng, kim khí điện máy, mỹ phẩm, phân bón. Theo đó, hoạt động BHĐC trên địa bàn tỉnh cũng diễn ra với nhiều biến tướng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân, gây khó khăn cho công tác quản lý của địa phương.

Theo quy định tại Điều 17, Nghị định 42/2014/NĐ-CP  ngày 15-5-2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động BHĐC, trước khi tổ chức hoạt động BHĐC, DN BHĐC phải gửi hồ sơ thông báo nội dung, kịch bản chương trình, tài liệu đối với hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo đến Sở Công thương sở tại… nhưng trên thực tế, nhiều công ty đa cấp kinh doanh tại địa phương lại không tuân thủ các quy định này. Che đậy cho hành vi vi phạm trên, các DN BHĐC thường cố tình tổ chức hội nghị, hội thảo vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hoặc họp thành nhóm tại nhà các thành viên nhằm lẩn tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.

Trong khi đó, Nghị định 42 lại không quy định DN BHĐC phải có địa điểm cố định và thời gian hoạt động cụ thể nên nếu họ vi phạm pháp luật sẽ rất khó khăn cho cơ quan chức năng địa phương trong khâu xử lý, khắc phục hậu quả. Chính sự lỏng lẻo trong các quy định này khiến một số DN BHĐC lợi dụng để lừa đảo trục lợi bất chính…

Nghị định số 42 cũng nghiêm cấm tổ chức, DN yêu cầu người tham gia BHĐC phải mua hàng, đặt cọc tiền hay cho họ nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ việc họ “có công” dụ dỗ  thêm được nhiều người khác tham gia vào mạng lưới BHĐC… Nhưng trên thực tế, các DN BHĐC thường buộc người tham gia BHĐC phải mua hàng và không hề ghi rõ việc bắt phải mua hàng này trong hợp đồng tham gia mạng lưới BHĐC mà hoán đổi thành phiếu xuất kho mua hàng của DN, nhằm “lách” các quy định trên, “qua mặt” sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Chưa kể, có DN đa cấp còn dùng chiêu trò dụ khách mua hàng bằng cách quảng cáo “thổi phồng” tính năng, công dụng của sản phẩm, nhất là đối với thực phẩm chức năng, để trục lợi trong khi, công dụng của sản phẩm có đúng như quảng cáo hay không thì không ai dám chắc! Thêm vào đó, phần lớn các sản phẩm này đều là hàng nhập khẩu và giá cả không so sánh được với giá trên thị trường nên việc kiểm tra, xử phạt về hành vi cố tình “đẩy” giá bán lên cao cũng gặp không ít khó khăn…

Cơ sở bán hàng đa cấp của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy tại TP. Buôn Ma Thuột.
Cơ sở bán hàng đa cấp của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy tại TP. Buôn Ma Thuột.

Để từng bước chấn chỉnh hoạt động này, từ tháng 8-2015 đến nay, Sở Công thương đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra hoạt động BHĐC trên địa bàn tỉnh. Qua đó, phát hiện nhiều sai phạm của các công ty: Thiên Ngọc Minh Uy, Tầm Nhìn Đại Hưng 668, Công ty Cổ phần nhượng quyền thương mại quốc tế G10, Phúc Gia Bảo 68 - chi nhánh Đắk Lắk… không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ liên quan đến đào tạo người tham gia BHĐC theo quy định, không xuất trình thẻ tham gia BHĐC khi giới thiệu hàng  hoặc bán hàng không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP), không thực hiện khám sức khỏe và cập nhật kiến thức cho đối tượng tham gia BHĐC, sử dụng giấy xác nhận ATTP giả, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu không có nhãn phụ bằng tiếng Việt hoặc có nhưng không đúng với bản chất của hàng hóa… Qua đó, cơ quan chức năng đã phạt hành chính 177 triệu đồng đối với 12 tổ chức, cá nhân vi phạm (trong đó, thanh tra phạt 156 triệu đồng, chuyển  hồ sơ Cục Quản lý cạnh tranh-Bộ Công thương phạt 21 triệu đồng).

Theo ông Nguyễn Văn Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Công thương, người dân cần đề cao cảnh giác trước các chiêu trò lôi kéo, dụ dỗ tham gia mạng lưới BHĐC, thận trọng trước các thông tin liên quan đến công dụng sản phẩm, đặc biệt lưu ý các khoản hoa hồng “khủng”, tiền thưởng chi trả cho nhà phân phối, bởi mọi lời chào mời tham gia vào hoạt động BHĐC có hoa hồng cao, lãi suất lớn… đều là dấu hiệu của hành vi lợi dụng mô hình đa cấp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Ông Nghiêm cũng khuyến cáo, người dân cần lưu ý rằng, mọi hình thức thu tiền của người tham gia BHĐC vào sau để trả hoa hồng cho người vào trước mà không qua giao dịch mua bán hàng hóa đều bị pháp luật nghiêm cấm. Cụ thể, theo quy định, mức trần chi trả hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích khác cho nhà phân phối là 40% doanh thu từ hoạt động BHĐC của DN, do đó, mọi cam kết chi  trả lớn hơn 40% đều là vi phạm pháp luật.

Trong số 25 DN đăng ký hoạt động BHĐC trên địa bàn tỉnh phần lớn đều có tên Thiên Ngọc (thuộc Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy). Đáng chú ý, trong các đợt kiểm tra vừa qua, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy có  5 cơ sở bị xử phạt với tổng số tiền trên 25 triệu đồng về các vi phạm: kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, hàng hóa có nhãn nhưng không thông tin đúng bản chất, sự thật về loại hàng hóa đó, không tuân thủ quy định trong quy tắc hoạt động và chương trình bán hàng của DN BHĐC đã đăng ký với cơ quan chức năng có thẩm quyền…


Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.