Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong nợ đọng xây dựng cơ bản

09:02, 07/09/2016

Thời gian qua, những tác động của suy thoái kinh tế và việc thắt chặt đầu tư công đã ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực xây dựng cơ bản (XDCB) của tỉnh. Đặc biệt, tình trạng nợ đọng XDCB đang là vấn đề nhức nhối, gây nhiều khó khăn cho cả doanh nghiệp (DN) lẫn cơ quan quản lý Nhà nước.

Doanh nghiệp bức xúc

Mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp đánh giá tình hình thu nợ thuế XDCB và bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN XDCB do Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì. Tại cuộc họp trên, nhiều DN đã bày tỏ những khó khăn mà đơn vị mình gặp phải do tình trạng nợ đọng XDCB gây ra. Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Đắk Lắk Diêu Quang Hùng cho rằng, trong khi ngân sách Nhà nước (NSNN) đang nợ DN, chưa có hướng giải quyết khả thi thì ngành Thuế lại thông báo nợ thuế đến DN là thiếu công bằng. Đáng chú ý, ông Hùng đã chỉ ra hàng loạt bất cập do sự chồng chéo, thiếu khoa học của các luật liên quan đến hoạt động của DN nói chung. Chẳng hạn đối với DN tư vấn xây dựng, sản phẩm làm ra thuộc công đoạn đầu tiên của mỗi dự án. Do vậy, sau khi hoàn thành phần việc của mình các đơn vị tư vấn chưa được chủ đầu tư chi trả kinh phí ngay, thậm chí phải đợi đến khi dự án hoàn thành, được nghiệm thu, lúc ấy đơn vị tư vấn mới được thanh toán phần việc của mình. Thế nhưng, ngay khi hoàn thiện việc tư vấn, theo luật là đơn vị tư vấn đã phải chịu các khoản thuế cho sản phẩm của mình. Trong khi đó, đối với các đơn vị thi công thì dù đã hoàn thành công trình, nhưng tiến độ giải ngân quá chậm khiến DN lâm vào khó khăn. Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư Thuận An Phan Văn Chiến cho biết, đơn vị này đang nợ thuế trên 8,5 tỷ đồng phát sinh từ những công trình như đường giao thông đến trung tâm xã Ia R’vê (Ea Súp), đường giao thông nội thị thị trấn Buôn Trấp (Krông Ana), đường vành đai phía Tây TP. Buôn Ma Thuột… nhưng NSNN lại nợ DN trên 22,7 tỷ đồng. Hầu hết các công trình do Công ty Thuận An thi công đã đưa vào sử dụng, nhưng vẫn chưa được thanh toán. Riêng công trình đường vành đai phía Tây TP. Buôn Ma Thuột, chủ đầu tư đã chuyển tiền về kho bạc từ tháng 2-2016, nhưng đến nay vẫn chưa được giải ngân.

Thi công một công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Krông Pắc .
Thi công một công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Krông Pắc .

“Phải đồng hành cùng doanh nghiệp”

Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh, 7 tháng đầu năm 2016, nợ đọng thuế XDCB (không tính tiền chậm nộp thuộc vốn NSNN chưa thanh toán) trên địa bàn tỉnh là gần 119 tỷ đồng, tăng trên 13,8 tỷ đồng so với 31-12-2015. Có 25 doanh nghiệp nợ đọng thuế XDCB từ 1 tỷ đồng trở lên, do các chủ đầu tư chưa thanh toán, với tổng số tiền 192,4 tỷ đồng. Trong khi đó, các chủ đầu tư còn nợ các DN trên 275 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương nợ trên 60,9 tỷ đồng, vốn địa phương nợ gần là 196 tỷ đồng. Mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác thu hồi nợ đọng thuế XDCB, nhưng hiệu quả đạt chưa cao. Nguyên nhân là do công tác triển khai, phối hợp chưa chặt chẽ; một số khó khăn vướng mắc chưa kịp thời phối hợp giải quyết, chủ yếu là giữa cơ quan thuế và Kho bạc Nhà nước; mới chỉ có 9/81 đơn vị ký cam kết nộp nợ thuế khi được thanh toán vốn đầu tư; thủ tục trích nộp tại Kho bạc Nhà nước thanh toán vốn XDCB còn vướng mắc vì trích nộp theo tỷ lệ 2% chưa có quy định cụ thể như về trích nộp, hạch toán, phân chia nguồn thu… Chia sẻ những khó khăn mà DN đang gặp phải, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị đã yêu cầu các cơ quan, địa phương liên quan “phải đồng hành cùng DN”, đặc biệt phải sớm đẩy nhanh giải ngân nợ đọng XDCB cho DN, nhất là đối với các dự án đã được nghiệm thu, đưa vào sử dụng để DN vừa nộp nợ thuế, vừa có vốn để tiếp tục sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có sự đồng cảm, song hành với DN để tìm cách tháo gỡ khó khăn chứ không nên dùng chế tài thu hồi nợ thuế, gây khó khăn cho DN trong quá trình hoạt động. Bên cạnh đó, DN cũng cần đồng hành với tỉnh và phải cam kết thực hiện nghĩa vụ thuế cho ngân sách Nhà nước theo đúng quy định…

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị, cùng những giải pháp được triển khai đồng bộ, hy vọng những khó khăn của DN XDCB sẽ sớm được tháo gỡ. Đây cũng chính là cơ sở và nền tảng để bảo đảm cho việc hoàn thành thu NSNN địa phương.   

Tại cuộc họp trên, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị đã đưa ra sáng kiến “đổi đất lấy nợ đọng XDCB”. Theo đó, hiện nay tỉnh đang tổ chức bán đấu giá nhiều khu đất có giá trị cao, nếu các DN XDCB có nhu cầu, UBND tỉnh sẽ tạo điều kiện để được tham gia đấu giá, và tỉnh sẽ ưu tiên dùng khoản tiền bán đất này để giải quyết nợ đọng cho các DN đã mua đất trước.

 Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.