Phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi: Công trình phải thực sự có chủ
Ngày 6-11-2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 38/2014/QĐ-UBND về “Phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”. Việc thực hiện phân cấp này được căn cứ theo tinh thần Thông tư số 65/2009/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT và kết quả của các cuộc họp lấy ý kiến các ngành, địa phương liên quan.
Theo đó, thống nhất chọn phương án: giao toàn bộ các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh (trừ các công trình do các công ty cà phê quản lý, công trình do tổ hợp tác dùng nước, các hộ tư nhân đầu tư, quản lý) cho Công ty TNHH MTV quản lý và khai thác công trình thủy lợi Đắk Lắk. Tổng số công trình được phân cấp cho đơn vị này quản lý, vận hành, khai thác là 568 công trình (gồm 445 hồ chứa, 103 đập dâng, 20 trạm bơm). Trong đó, 15 công trình công ty đang quản lý, số còn lại là tiếp nhận từ các địa phương. Sau khi tiếp nhận, để bảo đảm cho các công trình phục vụ tốt cho vụ đông xuân 2014 – 2015, Công ty đã tuyển dụng thêm 200 cán bộ kỹ thuật và công nhân thủy nông, đưa tổng số lượng cán bộ công nhân của đơn vị lên 356 người; đồng thời thành lập thêm 10 chi nhánh trực thuộc ở các địa phương để quản lý vận hành điều tiết nước tại các công trình thủy lợi.
Tuy nhiên sau 1 năm phân cấp, trên cơ sở kiến nghị của các địa phương theo các tiêu chí của Thông tư 65 của Bộ NN-PTNT, Sở NN-PTNT đã có kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh lại danh mục công trình thủy lợi đã được phân cấp. Tại Quyết định 21/2016/QĐ-UBND ngày 18-5-2016 của UBND tỉnh, các công trình được điều chỉnh lại: phân cấp 308 công trình cho Công ty TNHH MTV QLCT thủy lợi Đắk Lắk quản lý (236 hồ chứa, 62 đập dâng, 10 trạm bơm); 321 công trình phân cấp về cho UBND huyện, thị xã, thành phố quản lý (234 hồ chứa, 74 đập dâng, 9 trạm bơm). Theo ông Trần Thế Hoan, Giám đốc Công ty TNHH MTV QLCT thủy lợi, ngoài những khó khăn liên quan đến việc ổn định công tác, giải quyết về lao động mà đơn vị vừa tuyển dụng, hợp đồng (bởi đã giảm 260 công trình so với trước đây), một trong những bất cập hiện nay là việc xác định tiêu chí phân cấp thiếu sự thống nhất giữa các địa phương. Trong số 15 huyện, thị, thành phố có 4 huyện thống nhất giữ nguyên hiện trạng việc bàn giao toàn bộ công trình theo Quyết định 38 gồm: Ea H’leo (39 công trình), Lắk (40 công trình), Cư M’gar (42 công trình), Ea Súp (3 công trình) bởi nhận thấy các công trình sau khi bàn giao về công ty quản lý đều phát huy hiệu quả. Còn với các địa phương khác, các công trình được bàn giao (theo điều chỉnh) tuy là công trình quy mô nhỏ, tính chất kỹ thuật đơn giản nhưng phần lớn đã xuống cấp, nếu thiếu quan tâm đầu tư, tu bổ thì cũng khó phát huy hiệu quả.
Bơm dã chiến chống hạn trong vụ đông xuân 2015-2016 ở huyện Krông Pắc. |
Thực tế nhiều năm cho thấy, do thiếu cán bộ chuyên môn nên nhiều công trình do các công ty TNHH MTV cà phê và UBND xã, hợp tác xã quản lý không được kiểm tra, theo dõi thường xuyên, công tác duy tu sửa chữa không được quan tâm nên thường nằm trong tình trạng “cha chung không ai khóc”. Nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí từ ngân sách Nhà nước để thực hiện duy tu, bảo dưỡng các công trình vì vậy cũng không phát huy hiệu quả. Trong bối cảnh nguồn ngân sách địa phương đầu tư cho thủy lợi còn hạn hẹp, hiện trạng các công trình phần lớn đã xuống cấp, việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình chủ yếu trông chờ vào nguồn cấp bù thủy lợi phí càng đòi hỏi các đơn vị tiếp nhận phải bảo đảm điều kiện, năng lực trong quản lý, vận hành khai thác. Cho nên, sau khi phân cấp, quản lý nếu thiếu cơ chế giám sát thì rất dễ rơi vào tình trạng phân cấp đi phân cấp lại nhiều lần.
Đơn cử như trên địa bàn huyện M’Đrắk hiện có tổng số 60 công trình thủy lợi, trong đó 15 công trình phân cấp cho Công ty TNHH MTV QLCT thủy lợi Đắk Lắk quản lý, 45 công trình do địa phương quản lý. Hiện trạng phần lớn các công trình đã xuống cấp, trong đó có 8 công trình thủy lợi có nguy cơ mất an toàn cao và có khả năng bị vỡ trong mùa mưa bão năm 2016. Cụ thể, Công trình thủy lợi Krông Jing (xã Cư M’ta), đập thủy lợi đội 4 thôn 8 (xã Ea Riêng) hư hỏng tràn xả lũ, đập thủy lợi 725 (xã Ea Riêng) hỏng đập đất, đập C19 (xã Ea Riêng), hồ đội 36, hồ 2B, hồ đội 5 (xã Ea M’lay), đập đội 9 (xã Ea M’đoal) hư hỏng đầu mối. Ngoài ra, các tràn bê tông, tràn đất tự nhiên đều bị xói lở nghiêm trọng và không bảo đảm thoát lũ. Tổng chiều dài kênh mương khoảng 76,5km, trong đó, đã kiên cố được 51 km đạt 66%. Tuy nhiên, 70% tuyến kênh đã được kiên cố này đã và đang xuống cấp, hư hỏng, do đã sử dụng lâu năm, chỉ có 30% đang hoạt động bình thường; 44% kênh chưa được kiên cố (kênh đất) cũng đều hư hỏng, thường xuyên bị vỡ.
Thêm vào đó, trên địa bàn huyện chủ yếu là kênh đào chạy theo triền đồi nên cũng chịu tác động nhiều của hiện tượng bồi lắng do thường xuyên bị sạt lở. Theo quy định của Thông tư 65, sau phân cấp phải bảo đảm các công trình đều phải có chủ. Được biết, huyện M’Đrắk đang chỉ đạo cho các xã thành lập các hợp tác xã dùng nước để tiếp nhận, quản lý, vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi đã được phân cấp cũng như bảo đảm phát huy nguồn cấp bù thủy lợi phí từ ngân sách của Nhà nước trong duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, tái đầu tư cho công trình thủy lợi. Tuy nhiên, việc củng cố, kiện toàn, sắp xếp và đổi mới quy mô hoạt động của cá tổ chức, hợp tác xã dùng nước cũng gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực… Đây cũng là thực trạng chung hiện nay trong quản lý, khai thác, vận hành các công trình thủy lợi ở các địa phương. Hơn nữa, việc phân cấp quản lý nếu không gắn trách nhiệm và lợi ích cụ thể, thì công tác quản lý, vận hành, khai thác các công trình thủy lợi ở các địa phương sẽ khó mang lại hiệu quả; tình trạng “cha chung không ai khóc” rất có thể sẽ lại tái diễn.
Để bảo đảm các mục tiêu của việc phân cấp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiến hành củng cố, kiện toàn, sắp xếp và đổi mới quy mô hoạt động của các hợp tác xã, tổ chức dùng nước trên địa bàn, bảo đảm đủ điều kiện, năng lực quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Căn cứ tính chất, đặc điểm cụ thể của từng công trình và năng lực của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn để phân cấp quản lý, bảo đảm mỗi công trình thủy lợi phải do một tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, khai thác, trong đó phân công trách nhiệm cụ thể, khắc phục tình trạng chồng chéo trong quản lý, đùn đẩy trách nhiệm, từng bước nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành, khai thác các công trình. |
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc