Multimedia Đọc Báo in

"Đau đầu" với các dự án nông, lâm nghiệp - Kỳ II

09:06, 14/10/2016

[links(left)]

Bài 2: Gỡ khó cho các doanh nghiệp

Trong những năm qua UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để thực hiện đầu tư, tuy nhiên vẫn còn đó nhiều bất cập. 

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, UBND tỉnh xác định lợi thế của địa phương là đất đai, do đó việc thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp để kích thích sự phát triển kinh tế của địa phương là một hướng đi đúng đắn.

Cho phép chuyển đổi cây trồng, hỗ trợ thu hồi đất

UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, rà soát tình hình thực hiện các dự án, hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để yên tâm đầu tư. Điển hình như việc tăng cường các biện pháp hỗ trợ thu hồi lại các diện tích đất bị xâm canh, lấn chiếm trái phép để các doanh nghiệp đưa vào thực hiện đầu tư theo đúng dự án đã được thẩm định. Đơn cử như huyện Ea Súp, trong năm 2016, các ngành chức năng của huyện đã thành lập đoàn, tiến hành cưỡng chế, thu hồi được 300 ha đất vùng dự án của Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa bị người dân lấn chiếm trái phép. Cùng với đó, qua khảo sát tại các dự án trồng rừng bằng cây keo lai ở huyện Ea Súp khả năng phát triển kém, hiệu quả kinh tế thấp, UBND tỉnh đã cho phép một số dự án chuyển đổi cây trồng như: Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa, Công ty Cổ phần hỗ trợ XDTL và PTNT chuyển sang trồng cao su; Doanh nghiệp tư nhân Phan Thuấn trồng thí điểm một số loại cây ăn trái…

Thu hoạch chuối Nam Mỹ ở dự án của Công ty TNHH Hoàn Vũ ở huyện Ea Súp.  Ảnh: V.Tiếp
Thu hoạch chuối Nam Mỹ ở dự án của Công ty TNHH Hoàn Vũ ở huyện Ea Súp. Ảnh: V.Tiếp

Hiện nay, Sở NN-PTNT tiếp tục kiến nghị với UBND tỉnh cho phép một số dự án sau một thời gian triển khai đầu tư nhưng do khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp với các loại cây trồng theo mục tiêu dự án được thẩm định, không phát huy hiệu quả kinh tế được chuyển đổi mục tiêu dự án sang trồng các loại cây khác hoặc trồng cỏ nuôi bò.

Sẽ tìm phương án xử lý đối với các dự án cao su

Còn đối với các dự án trồng thí điểm cao su trên địa bàn, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở KH-CN thành lập hội đồng triển khai đánh một cách khách quan, khoa học hiệu quả các dự án trồng cao su thí điểm trên địa bàn, để từ đây tìm ra phương án xử lý đối với các dự án này.

Theo ông Đỗ Xuân Dũng, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, trước đây, UBND tỉnh cho phép các dự án triển khai trồng cao su thí điểm, nếu cao su phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế thì chủ đầu tư được phép khai hoang, mở rộng diện tích trồng mới. Tuy nhiên mới đây tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biển đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các tỉnh Tây Nguyên kiên quyết thực hiện việc đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển đổi  mục đích sử dụng 2,25 triệu ha rừng tự nhiên hiện có sang mục đích khác, kể cả các dự án, công trình đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai, trừ các dự án phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh quan trọng. “Không chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp, điều này đồng nghĩa với việc các dự án này không được phép mở rộng, trong khi diện tích rừng phải giữ rất lớn. Do đó trong thời gian tới chúng tôi sẽ gặp gỡ trực tiếp các nhà đầu tư để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ để tìm ra phương án phù hợp nhằm tránh thiệt thòi cho các nhà đầu tư”, ông Dũng cho biết thêm. 

Bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn cho những chủ dự án có năng lực và tâm huyết thực hiện dự án, UBND tỉnh cũng kiên quyết xử lý đối với những dự án để xảy ra sai phạm. Trong đó, đối với các dự án để mất rừng; sử dụng đất sai mục đích; khai hoang đất rừng khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền…, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra xử lý theo quy định của pháp luật; những các dự án không triển khai đúng tiến độ cam kết, không có khả năng thực hiện thì lập thủ tục thu hồi dự án.

Kiến nghị cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp giữ rừng

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tình trạng khai thác, chặt phá, bao chiếm đất rừng trái phép ở các dự án thời gian qua diễn ra phức tạp làm suy giảm diện tích và chất lượng rừng. Nguyên nhân là do một số chủ dự án bố trí lực lượng quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) chưa đủ mạnh, chưa phối hợp tốt với các cơ quan chức năng địa phương, cơ chế hỗ trợ của nhà nước về cho công tác này chưa có. Ông Cao Văn Ba, Giám đốc Công ty TNHH SX XD TM Đức Tâm cho biết, Công ty của ông được UBND tỉnh cho thuê 854 ha đất rừng ở huyện Ea Súp để trồng thí điểm 100 ha cao su diện tích còn lại là rừng khoanh nuôi, bảo vệ. Do vùng đất này không phù hợp nên 100 ha trồng cao su của Công ty đã chết sạch, bao nhiêu vốn liếng đầu tư mất trắng. Ngoài ra, hằng năm Công ty còn phải bỏ ra một khoản tiền để thuê người giữ rừng. Do đó nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước cho công tác QLBVR thì doanh nghiệp sẽ kham không nổi. 

Đóng gói chuối Nam Mỹ ở Công ty TNHH Hoàn Vũ để xuất khẩu
Đóng gói chuối Nam Mỹ ở Công ty TNHH Hoàn Vũ để xuất khẩu.

Chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, tại một số dự án, ngoài diện tích quy hoạch trồng cao su, trồng rừng, cải tạo rừng thì diện tích có rừng tự nhiên phải khoanh nuôi, bảo vệ còn lại tương đối lớn. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp đã đầu tư một nguồn kinh phí lớn để tổ chức quản lý và bảo vệ rừng, nhà nước chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh trên diện tích rừng được giao nhằm kích thích, tạo động lực cũng để nâng cao hiệu quả công tác QLBVR. Mục tiêu của các dự án là thuê đất để sản xuất kinh doanh (không phải thực hiện mục đích công ích), việc doanh nghiệp phải đầu tư kinh phí, tổ chức quản lý bảo vệ diện tích rừng trong vùng dự án trong thời gian dài, trong khi hầu hết các chủ dự án chưa có nguồn thu nào là không hợp lý. Hiện nay, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị với Trung ương sớm có cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn này cho doanh nghiệp.

Từ năm 2006 đến nay, UBND tỉnh cho chủ trương 121 dự án được liên hệ quỹ đất để khảo sát, lập dự án. Trong quá trình triển khai, UBND tỉnh đã thu hồi chủ trương 37 dự án. Hiện nay, còn 84 dự án UBND tỉnh cho phép thực hiện với tổng diện tích 62.400 ha, trong đó, 39 dự án trồng rừng, cải tạo rừng, quản lý bảo vệ rừng và dự án nông lâm nghiệp khác, 36 dự án trồng cao su, 9 dự án chăn nuôi.

Vạn Tiếp

 


Ý kiến bạn đọc