Nhiều tín hiệu vui cho "mùa tín dụng"
Những tháng cuối năm luôn là cao điểm trong hoạt động tín dụng khi nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp (DN) tăng mạnh. Trái ngược với những năm trước đây, bước vào “mùa tín dụng” năm nay, lãi suất cho vay không những không tăng mà còn có chiều hướng giảm.
“Đầu vào” diễn biến phức tạp
Đầu tháng 8, các ngân hàng đồng loạt điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất, khiến người dân và DN lo lắng. Thế nhưng từ cuối tháng 9 đến nay, hầu hết các ngân hàng lớn lại bất ngờ điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Đầu tiên phải kể đến là động thái giảm lãi suất huy động của 4 ngân hàng thương mại cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank). Lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng được các ngân hàng này công bố ở mức 0,3-0,5%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng ở mức 4,2-4,3%/năm, kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 5 tháng ở mức 4,8%/năm, kỳ hạn từ 5 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng ở mức 5,3%/năm và kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,5%/năm.
Trong khi các ngân hàng thương mại Nhà nước giảm lãi suất “đầu vào” thì các ngân hàng thương mại cổ phần lại chưa có động thái giảm, thậm chí có ngân hàng còn điều chỉnh tăng. Chẳng hạn Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank) hiện vẫn niêm yết mức lãi suất kỳ hạn 18 tháng ở mức khá cao là 8,3%/năm, trong khi kỳ hạn 13 tháng cũng lên tới 7,9%/năm. Hay tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), lãi suất huy động tiền gửi đã lên mức 7,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng lĩnh lãi cuối kỳ...
Cơ hội giảm lãi suất
Mặc dù lãi suất huy động có những diễn biến trái chiều, nhưng xét tổng thể, mặt bằng lãi suất huy động không có nhiều biến động. Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk, lãi suất huy động bằng VNĐ tương đối ổn định. Các tổ chức tín dụng đang áp dụng mức lãi suất huy động đối với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng phổ biến 4%/năm - 5,3%/năm; lãi suất huy động từ 6 tháng đến dưới 12 tháng phổ biến mức 5,5%/năm – 6,5%/năm. Sở dĩ các ngân hàng thương mại nhỏ phải tăng lãi suất dài hạn để thu hút tiền gửi chủ yếu nhằm đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước phải kéo dài tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% hiện nay xuống chỉ còn 50% vào đầu năm 2017. Trong khi đó, hiện nay, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7%/năm, lãi suất cho vay các lĩnh vực còn lại phổ biến ở mức 8%/năm đối với cho vay ngắn hạn, 9%-11%/năm đối với cho vay trung, dài hạn. Đặc biệt, với tiềm lực vốn đang dồi dào, nhiều ngân hàng đã dành các gói ưu đãi cho các DN có tình hình tài chính ổn định, dự án tốt với lãi suất cho vay chỉ từ 5%/năm. Theo đánh giá của đại diện một ngân hàng thương mại Nhà nước trên địa bàn, khi các “ông lớn” đã thực hiện giảm lãi suất cho vay, chắc chắn sẽ tác động đến quyết định lãi suất của những ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ. Từ đó có thể tạo nên một “cuộc đua” giảm lãi suất cho vay trong thời gian đến.
Có thể nói, trong bối cảnh thị trường tiến gần đến thời điểm cuối năm, lúc các hoạt động kinh tế diễn ra sôi động nhất, việc những ngân hàng lớn, có tính chi phối thị trường đang nỗ lực ổn định và giảm lãi suất đã "phát" những tín hiệu vui cho "mùa tín dụng" năm nay.
Tốc độ tăng trưởng huy động đang cao hơn tốc độ cho vay khiến nhiều ngân hàng đang có dấu hiệu “thừa vốn”. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đến nay là 33.734 tỷ đồng, tăng 21,2% so với đầu năm, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm trước; trong khi đó, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế ước đạt 63.170 tỷ đồng, tăng 10,34% so với đầu năm, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. |
Nam Giang
Ý kiến bạn đọc