Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng mạng lưới ngân hàng: Cần hướng đến vùng khó khăn

10:39, 02/08/2017

Đắk Lắk là tỉnh có diện tích rộng lớn, nhiều địa bàn vùng sâu vùng xa chưa có mạng lưới ngân hàng hoàn chỉnh để đáp ứng nhu cầu giao dịch của người dân. Tuy nhiên, việc mở rộng mạng lưới của các ngân hàng thương mại gặp nhiều khó khăn từ cơ chế.

Từ nhu cầu thực tiễn

Trên địa bàn tỉnh hiện có 45 tổ chức tín dụng (TCTD) đang hoạt động. Nếu tính cả các phòng giao dịch, đến nay toàn tỉnh có 195 điểm giao dịch ngân hàng. Thế nhưng mạng lưới hoạt động của các ngân hàng hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu giao dịch của người dân, nhất là các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Chẳng hạn, tại huyện Ea Súp hiện mới chỉ có mặt Ngân hàng NN-PTNT và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội. Qua khảo sát từ phía các ngân hàng, người dân và lãnh đạo địa phương rất muốn các tổ chức tín dụng mở điểm giao dịch tại Ea Súp, tạo thêm nhiều kênh đưa vốn phục vụ nền kinh tế địa phương, tạo sự cạnh tranh nhất định giữa các tổ chức tín dụng. Mới đây tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017, nhiều ngân hàng đã đặt vấn đề với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh Đắk Lắk về việc được mở phòng giao dịch tại huyện biên giới này. Theo đại diện Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), đơn vị đã có sự chuẩn bị chu đáo, chỉ cần có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, Sacombank sẽ mở phòng giao dịch tại huyện Ea Súp. Trong khi đó, Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk  Phạm Ngọc Huyến cho biết, ngân hàng này đang rất muốn mở rộng mạng lưới phòng giao dịch đến các huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh để cung cấp vốn kịp thời cho những khu vực này.

“Vướng” về hạn mức số lượng chi nhánh

Rõ ràng, hầu hết các ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại đều có nhu cầu mở rộng mạng lưới của mình tại các huyện. Tuy nhiên các ngân hàng này đều "vướng" Thông tư 21/2013/TT-NHNN, ngày 9-9-2013 của NHNN về mở rộng mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại.

Ngân hàng TMCP Kiên Long là đơn vị mới nhất khai trương chi nhánh tại thị xã Buôn Hồ.
Ngân hàng TMCP Kiên Long là đơn vị mới nhất khai trương chi nhánh tại thị xã Buôn Hồ.

Theo đó, một ngân hàng muốn thành lập chi nhánh, phòng giao dịch mới phải đảm bảo hoạt động có lãi; tuân thủ các hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng liên tục trong thời gian 12 tháng trước tháng đề nghị; thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 3%; đồng thời ngân hàng thương mại có bộ phận kiểm toán nội bộ và hệ thống kiểm soát nội bộ bảo đảm tuân thủ quy định hiện hành; số lượng chi nhánh được thành lập tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không lớn hơn quá 3 lần số lượng chi nhánh hiện có của ngân hàng thương mại tại mỗi khu vực này. Theo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh, hầu hết họ đều đáp ứng được tiêu chuẩn cần thiết, nhưng đã sử dụng hết hạn mức về số lượng phòng giao dịch như quy định. Vì vậy, tại hội nghị trên, đại diện các ngân hàng đã đề xuất được nới lỏng quy định về số lượng phòng giao dịch đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và mong muốn vấn đề này sớm được trình ra các cuộc họp của Quốc hội để thảo luận.

Trước những đề xuất trên, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Y Biêr Niê cho rằng, xuất phát từ nhu cầu thực tế không chỉ từ phía ngân hàng mà ngay chính các địa phương cũng rất mong muốn có các chi nhánh ngân hàng hoạt động trên địa bàn. Tuy nhiên, đồng chí Y Biêr Niê cũng lưu ý các tổ chức tín dụng phải tính toán sao cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn, đồng thời có những kiến nghị bằng văn bản để Đoàn đại biểu Quốc hội có cơ sở trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc