Multimedia Đọc Báo in

Đề án chống thất thu thuế lĩnh vực kinh doanh phân bón: Cần bảo đảm minh bạch, công bằng

07:44, 18/09/2017

Theo quy định, phân bón là một trong những mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng, nên sự đóng góp của lĩnh vực này vào ngân sách Nhà nước (NSNN) chỉ còn trông chờ vào thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Tuy nhiên, việc quản lý sắc thuế này đang gặp nhiều khó khăn.

Nhận diện thất thu

Theo khảo sát của ngành Thuế, năm 2015, toàn tỉnh có 74 DN kinh doanh trong lĩnh vực phân bón. Trong đó, 44 DN kinh doanh có lãi, 22 DN kinh doanh lỗ, 11 DN kinh doanh hòa vốn. Năm 2016, toàn tỉnh có 81 DN kinh doanh phân bón thì có đến 24 DN báo lỗ, 15 DN hòa vốn và chỉ có 39 DN có lãi. Với tình trạng kinh doanh như trên, thuế TNDN nộp vào NSNN của các DN kinh doanh phân bón năm 2015 chỉ trên 1,2 tỷ đồng, năm 2016 trên 1,5 tỷ đồng. Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế tỉnh Bùi Văn Chuẩn cho biết, qua các thống kê chi tiết của ngành Thuế, nhiều DN kinh doanh không đủ bù đắp chi, nhưng thực tế vẫn tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô kinh doanh (!). Đây là điều hết sức bất thường và chứng tỏ tình trạng thất thu thuế TNDN trong lĩnh vực kinh doanh phân bón đã đến mức đáng báo động. DN lợi dụng việc người mua không có nhu cầu hóa đơn và mong muốn nộp thuế càng ít càng tốt nên đã sử dụng nhiều thủ thuật để “lách” thuế như bỏ hóa đơn đầu vào để không xuất doanh thu đầu ra, bán hàng không qua kho (không ghi nhận doanh thu), bán theo giá đầu tư ứng trước (tính giá bán theo thời điểm thấp nhất)… Và để cân đối số thuế TNDN phải nộp, tránh sự kiểm tra kiểm soát của cơ quan chức năng, các DN này đã áp dụng phương pháp ghi giảm giá bán ra (thấp hơn giá bán thực tế) và tăng một số loại chi phí khó kiểm soát về mặt chứng từ.

Một DN kinh doanh phân bón tại huyện Cư Kuin.
Một DN kinh doanh phân bón tại huyện Cư Kuin.

Bên cạnh sự thiếu minh bạch của DN, thói quen sử dụng hóa đơn của người mua hàng cũng gián tiếp tiếp tay cho DN “lách” thuế. Theo đó, người mua phân bón chủ yếu là nông dân, hầu hết khi mua hàng hóa đều không có nhu cầu lấy hóa đơn nên việc thống kê doanh số và ghi giá bán hoàn toàn do DN tự quyết định.

Cần có giải pháp đồng bộ

Để chống thất thu trong lĩnh vực này, Cục Thuế tỉnh đã xây dựng Đề án “Chống thất thu thuế TNDN đối với lĩnh vực kinh doanh phân bón”. Theo Đề án này, ngành Thuế xây dựng ngưỡng quản lý rủi ro theo 4 nhóm: DN có doanh thu dưới 10 tỷ đồng/năm; DN có doanh thu từ 10 đến 50 tỷ đồng/năm; DN có doanh thu từ 50 đến 100 tỷ đồng/năm và DN có doanh thu trên 100 tỷ đồng/năm để xây dựng ngưỡng kiểm soát tỷ suất lợi nhuận, chịu thuế của DN. Tương ứng với các ngưỡng trên, nhóm 1 sẽ có tỷ lệ thu nhập chịu thuế/doanh thu 2%, nhóm 2 có tỷ lệ 1,5%, nhóm 3 có tỷ lệ 1% và tỷ lệ 0,65% đối với nhóm 4. Theo Cục Thuế tỉnh, căn cứ để xây dựng tỷ suất trên dựa vào bình quân của các DN có nguồn gốc sở hữu vốn Nhà nước, các công ty cổ phần (vì có độ tin cậy cao).

Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, Kế toán Công ty TNHH MTV Thùy Lan (Ea H’leo), đề án do ngành Thuế đưa ra là cần thiết, bởi không chỉ chống thất thu cho NSNN mà còn bảo đảm tính công bằng đối với tất cả DN kinh doanh phân bón. Tuy nhiên, song song với việc ấn định thuế, cơ quan chức năng cần kiểm soát được hoạt động kinh doanh phân bón tại Đắk Lắk của các DN ngoài tỉnh, chấn chỉnh tình trạng phân bón kém chất lượng, phân bón giả lưu thông trên thị trường. Trong khi đó, ông Trần Văn Yên, chủ DN tư nhân Bình Yên (Krông Ana) cho rằng, việc ấn định tỷ suất chịu thuế cần thực hiện theo từng năm, phù hợp với diễn biến thị trường. Cùng với đó, việc xây dựng hồ sơ khai thuế, tỷ suất lợi nhuận và quản lý thuế của ngành Thuế phải bảo đảm chặt chẽ, minh bạch, công bằng để DN yên tâm thực hiện nghĩa vụ của mình.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.