Xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh: Hướng phát triển bền vững trong chăn nuôi
Nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, hạn chế rủi ro và cung ứng cho thị trường sản phẩm chăn nuôi an toàn, huyện Ea Kar đang tập trung xây dựng, phát triển cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh và an toàn sinh học.
Cơ sở chăn nuôi gà an toàn dịch bệnh và an toàn sinh học của gia đình ông Kiều Thơ ở tổ dân phố 8, thị trấn Ea Knốp có diện tích 4 ha, cách xa khu dân cư, xung quanh đều có tường rào. Ở cổng ra vào trang trại lắp đặt hệ thống phun thuốc khử trùng; mỗi ô chuồng nuôi đều có hố sát trùng, hệ thống ánh sáng, lọc khí và quạt thông gió. Bên cạnh đó, ông Thơ còn sử dụng chế phẩm sinh học để phối trộn thức ăn, tiêm phòng vắc xin đầy đủ, xây dựng đệm lót sinh học và sàn ngủ cho gà. Năm 2010, trang trại của ông đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh và an toàn sinh học. Theo ông Thơ, muốn xây dựng cơ sở chăn nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh cần tuân thủ đúng 6 khâu về chuồng trại, con giống, thức ăn, chăm sóc nuôi dưỡng, thú y, thị trường. Tuy việc này đòi hỏi sự đầu tư về kinh phí, công sức nhưng khi đã đạt được tiêu chuẩn cần thiết sẽ giúp trang trại phát triển bền vững và lợi nhuận ngày càng tăng.
Cán bộ Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện Ea Kar kiểm tra điều kiện chăn nuôi an toàn tại trang trại của gia đình chị Nguyễn Thị Ly. |
Sau đợt dịch tai xanh năm 2009, cơ sở chăn nuôi heo của gia đình chị Nguyễn Thị Ly, ở thôn Ninh Thanh 1, xã Ea Kmút gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi bàn tính, vợ chồng chị quyết định vay vốn đầu tư xây dựng trang trại với 3 dãy chuồng, nuôi 100 heo nái, 500 heo thịt. Không chỉ tuân thủ nghiêm ngặt quy định từ khâu chọn con giống, tiêm phòng, sử dụng men vi sinh trộn vào thức ăn, khử clo nước uống, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, gia đình chị còn lắp đặt hệ thống làm lạnh, quạt thông gió, ghi chép đầy đủ nhật ký cá thể... Nhờ vậy, từ năm 2010 đến nay, trang trại chăn nuôi của gia đình chị phát triển ổn định, không xảy ra dịch bệnh, mỗi năm cung cấp cho thị trường 1.600 con heo giống và khoảng 80 tấn heo thịt.
Cán bộ Trạm Chăn nuôi – Thú y huyện Ea Kar (bên trái) kiểm tra điều kiện vệ sinh, chuồng trại của Trang trại cung ứng giống gia cầm Nguyệt Thơ. |
Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Ea Kar
|
Huyện Ea Kar hiện có gần 30.000 con trâu, bò; khoảng 120.000 con heo; trên 2 triệu con gia cầm và hàng nghìn con gia súc khác. Mật độ số hộ chăn nuôi phân bố rộng khắp xen lẫn với khu dân cư là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Do vậy, việc xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh và an toàn sinh học là xu thế tất yếu và cần thiết. Tuy nhiên, đến nay, toàn huyện mới chỉ có 12 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh và an toàn sinh học, 16 cơ sở đủ điều kiện vệ sinh thú y. Có thể thấy, con số trên còn quá khiêm tốn so với quy mô và số lượng đàn vật nuôi trên địa bàn.
Ông Hoàng Công Nhiên, Phó Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi – Thú y huyện cho biết, theo kế hoạch đến năm 2020, huyện Ea Kar phấn đấu đưa tỷ trọng chăn nuôi trong ngành Nông - Lâm nghiệp đạt 35,3%, trong đó, tổng đàn gia súc đạt 238.000 con, gia cầm 2,7 triệu con, sản lượng xuất chuồng khoảng 42.900 tấn. Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, huyện tập trung xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh và an toàn sinh học, trong đó tập trung tuyên truyền, khuyến khích các cơ sở đầu tư hệ thống chuồng trại, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, xử lý môi trường, áp dụng công nghệ tự động hóa từng khâu và toàn bộ quá trình sản xuất, cập nhật, hướng dẫn hộ chăn nuôi áp dụng khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích cơ sở chăn nuôi làm tốt khâu chọn con giống, sử dụng các loại thức ăn tự phối trộn bằng các nguyên liệu sẵn có tại địa phương thay thế thức ăn công nghiệp, xây dựng thương hiệu gia súc, gia cầm và hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm…
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc