Multimedia Đọc Báo in

Khởi nghiệp từ nuôi đà điểu

08:03, 15/12/2017

Với mô hình nuôi đà điểu, anh Nguyễn Ngọc Hoàng (SN 1989, thôn Giang Bình, xã Tam Giang, huyện Krông Năng) quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Năm 2007, tốt nghiệp THPT, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Hoàng đành gác lại giấc mơ vào đại học, ở nhà phụ giúp bố mẹ. Trong những tháng ngày làm nông nghiệp, Hoàng nhận thấy việc trồng cà phê thu nhập bấp bênh, phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết và giá cả thị trường, khó có thể làm giàu nếu chỉ độc canh cây cà phê. Bởi vậy, anh luôn trăn trở, suy nghĩ tìm hướng phát triển kinh tế hiệu quả hơn. Trong một lần xem truyền hình, tình cờ thấy mô hình nuôi đà điểu tương đối đơn giản lại cho thu nhập cao, trong khi nguồn thức ăn luôn có sẵn, anh liền bỏ thời gian, tiền bạc tìm đến Công ty kinh doanh đà điểu - cá sấu Khatoco thuộc Tổng Công ty Khánh Việt (tỉnh Khánh Hòa) để học hỏi kinh nghiệm. Năm 2014, từ số vốn ít ỏi ban đầu, Hoàng mạnh dạn xây dựng chuồng trại và mua 3 con đà điểu giống (2 mái, 1 trống), với giá 3,5 triệu đồng/con về nuôi. Hoàng cho biết: “Khi biết chuyện, mọi người trong nhà đều ngăn cản bởi ở địa phương chưa ai nuôi loài “chim khổng lồ” này bao giờ nhưng vì niềm đam mê nên mình vẫn quyết tâm thử sức”.

Anh Nguyễn Ngọc Hoàng cho đà điểu ăn.
Anh Nguyễn Ngọc Hoàng cho đà điểu ăn.

Ban đầu, anh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về kỹ thuật chăn nuôi; phương pháp phòng, chống dịch bệnh cũng như tìm nguồn ra cho sản phẩm. Về sau, anh tìm tài liệu về kỹ thuật nuôi đà điểu trên mạng internet và mua sách, báo về đọc. Theo Hoàng, đà điểu là giống chim hoang dã, có sức đề kháng tốt, ít bị bệnh, có thể chống chịu với thời tiết khắc nghiệt; mỗi ngày một con đà điểu trưởng thành ăn khoảng 10 kg thức ăn, chủ yếu là rau, cỏ, ngô, sắn...; loài này rất sợ tiếng ồn, thích chạy nhảy, do đó trang trại phải tách biệt với khu dân cư, phải có diện tích rộng, nền rải cát để khi đi lại không bị đau và trơn trượt khi trời mưa.

Đà điểu con 3 tháng tuổi nặng từ 3-4 kg/con, nuôi đến lúc trưởng thành mất khoảng 24 tháng đối với con mái và 28 tháng đối với con trống, lúc này cân nặng của chúng đạt từ 1-1,7 tạ/con. Gia đình anh mới chỉ nuôi thử nghiệm đà điểu lấy trứng; một con đà điểu cái trưởng thành có thể đẻ từ 35-40 quả trứng/năm, giá thị trường hiện nay khoảng 200.000 đồng/quả (trứng thịt) và 500.000 đồng/quả (có phôi để ấp nở). Chỉ với 2 con đà điểu đẻ, mỗi năm thu nhập từ bán trứng được gần 40 triệu đồng. Theo tính toán của Hoàng, nếu nuôi đà điểu thịt có thể mang lại nguồn thu nhập rất cao (giá bán từ 100.000-120.000 đồng/kg hơi và 250.000 đồng/kg thành phẩm). Hiện do diện tích nuôi còn khá nhỏ nên trong thời gian tới anh dự định sẽ mở rộng quy mô chuồng trại, đầu tư nuôi thêm đà điểu thịt bởi nhu cầu thị trường hiện nay rất lớn.

Từ thành công bước đầu, Hoàng cho biết sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những ai muốn phát triển mô hình này. 

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.