Multimedia Đọc Báo in

Mùa "thu hoạch" của làng nghề bánh tráng Ea Bar

09:43, 07/02/2018

Đến làng nghề bánh tráng Hòa Nhơn ở xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) những ngày này sẽ thấy không khí Tết dường như đến sớm hơn với hàng trăm lò bánh tráng hoạt động hết công suất.

Nghề làm bánh tráng tất bật quanh năm, nhưng giai đoạn cao điểm là từ tháng 11 âm lịch trở đi, bà con tập trung nhân lực, nguyên liệu để làm hàng Tết. Gắn bó với nghề làm bánh tráng đã 10 năm, chị Đinh Thị Thu Linh (thôn 7) cho biết, làm bánh tráng phải thức khuya dậy sớm và phụ thuộc nhiều vào thời tiết, chỉ thực hiện được khi trời nắng. Trước đây gia đình chị có 2 lò làm bánh thủ công, công việc nhiều nên mỗi dịp cuối năm chị phải thuê thêm 8 nhân công mới đáp ứng được. Tuy nhiên, năm nay chị đã đầu tư máy móc vào quy trình làm bánh tráng, nhờ vậy mà năng suất cao gấp đôi, tiết kiệm nhiên liệu, chất lượng bánh cũng đều đẹp hơn. Trung bình mỗi ngày cơ sở của chị làm 4-5 tạ gạo, cho ra khoảng 25.000 cái bánh, tăng gấp 3 lần so với ngày thường. Tuy vất vả nhưng mọi người luôn phấn khởi vì đầu ra của sản phẩm ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động, đời sống của các hộ dân cũng khá hơn nhiều.

Chị Đinh Thị Thu Linh đang phơi bánh tráng.
Chị Đinh Thị Thu Linh đang phơi bánh tráng.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, một chủ lò bánh ở thôn 6 chia sẻ, để có được chiếc bánh đạt chuẩn, phải chọn loại gạo ngon, xay bột nhuyễn, người thợ tráng bánh phải khéo tay. Sở dĩ bánh tráng Hòa Nhơn được ưa chuộng bởi bánh làm ra mịn đều, dẻo thơm, trăm chiếc như một, nên sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ ngay đến đó. Ngày thường gia đình chị chỉ tráng bánh đến đầu giờ chiều là xuống lò, nhưng thời điểm cận Tết nhu cầu khách hàng tăng cao nên phải làm thêm đến 9, 10 giờ tối mới hết việc. Để kịp đơn hàng, mỗi ngày chị Thủy làm 2 tạ gạo, tương đương 12.000 cái bánh. Năm nay thời tiết thuận lợi, trời nắng hanh nên gia đình chị tranh thủ làm nhiều loại như bánh tráng nhúng, bánh tráng nem, bánh tráng nướng…

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy đang thực hiện công đoạn cắt bánh tráng sau khi đã phơi khô.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy đang thực hiện công đoạn cắt bánh tráng sau khi đã phơi khô.

Ông Trần Ngọc Mỹ, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hòa Nhơn cho biết, hiện nay Hợp tác xã có gần 400 xã viên, trong đó có 182 hộ làm nghề bánh tráng. Nghề làm bánh tráng không chỉ giúp nhiều hộ gia đình làm nghề truyền thống ở xã Ea Bar vươn lên khá giả mà còn tạo việc làm cho trên 500 lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất với qui mô lớn, hiện đã có 10 hộ mạnh dạn đầu tư máy làm bánh, máy xay bột thay thế dần cho cách làm thủ công. Tuy nhiên, việc phơi bánh tráng vẫn phụ thuộc vào thời tiết. Vào mùa mưa mặc dù nhu cầu thị trường vẫn cao,  nhưng bà con không thể sản xuất vì không có nắng. Vì vậy, thời điểm trước và sau Tết được xem là mùa “thu hoạch” của người dân làm bánh tráng. Ước tính mùa Tết năm nay, làng nghề cung cấp cho thị trường gần 5 tấn bánh tráng các loại. 

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.