Cho vay tái canh cà phê - 5 năm nhìn lại
Chương trình cho vay tái canh cà phê được kỳ vọng sẽ mang lại diện mạo mới cho ngành cà phê trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, chương trình cho vay đầy ý nghĩa này vẫn còn đó những băn khoăn.
Từ một chính sách đúng
Tái canh cây cà phê là một dự án có quy mô lớn nhằm phát triển cà phê bền vững trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ-TU, ngày 5-5-2008 của Tỉnh ủy về “Phát triển cà phê bền vững trong thời kỳ mới”; Quyết định 41/2008/QĐ-UBND, ngày 17-11-2008 của UBND tỉnh về “Phát triển cà phê bền vững đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020” và Biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Đắk Lắk với Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) ký ngày 12-4-2013 về việc “Tài trợ vốn đầu tư tái canh diện tích già cỗi ”.
Việc thực hiện tái canh cây cà phê nhằm “trẻ hóa” vườn cây là hết sức cần thiết và cấp bách vì sự phát triển bền vững của ngành cà phê Đắk Lắk nói riêng và của ngành cà phê Việt Nam nói chung. Thay thế diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp để thực hiện tái canh sẽ góp phần ổn định sản lượng, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê, cải thiện mức sống của một bộ phận không nhỏ dân cư trên địa bàn. Về phía Ngân hàng, chương trình tái canh cây cà phê sẽ tạo điều kiện để Agribank tiếp tục mở rộng đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thương hiệu và năng lực tài chính, góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới.
Cán bộ Ngân hàng NN-PTNT kiểm tra hiệu quả vốn vay tại một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. |
Với mục tiêu và ý nghĩa quan trọng đó, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương đã có sự vào cuộc quyết liệt. Vào hạ tuần tháng 6-2013, tại TP. Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh Đắk Lắk và Agribank đã phối hợp tổ chức “Hội nghị về giải pháp tái canh cây cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành Trung ương và địa phương; đại diện các doanh nghiệp, hộ trồng cà phê... Tại hội nghị này đã có 10 biên bản ghi nhớ được ký, với 163,55 tỷ đồng vốn đầu tư tái canh cho 955,7 ha. Đây là 10 dự án tái canh mở đầu cho một chương trình đầu tư lớn của Agribank đối với cây cà phê.
Tiếp đó, ngày 6-1-2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 54/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2013-2020. Theo đó, từ năm 2013–2020 tỉnh có kế hoạch tái canh 27.775 ha cà phê do già cỗi, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm kém. Để thực hiện tái canh cho diện tích cà phê nêu trên cần một lượng vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng, trong đó chủ yếu từ nguồn vốn tín dụng của Agribank (ước khoảng 3.000 tỷ đồng). Hơn một năm sau đó, vào tháng 7-2014, tại TP. Buôn Ma Thuột, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã chủ trì Hội nghị thảo luận về chính sách hỗ trợ trồng tái canh cây cà phê và dự thảo trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ tái canh cà phê.
Kết quả chưa được như kỳ vọng
Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, kết quả đạt được còn rất khiêm tốn. Đến nay mới chỉ thực hiện tái canh được hơn 1.827 ha, trong đó có 1.800 ha trồng mới, 27 ha ghép cải tạo. Điều đáng nói là việc giải ngân cho vay chương trình này đạt khá thấp so với nhu cầu và mục tiêu đề ra. Tính đến hết tháng 4-2018, dư nợ cho vay tái canh cà phê tại 2 ngân hàng chủ lực của chương trình là Agribank Đắk Lắk và Agribank Bắc Đăk Lăk chỉ đạt trên 117,6 tỷ đồng, với 221 khách hàng (196 khách hàng cá nhân, 25 khách hàng doanh nghiệp).
Ông Tăng Hải Châu – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk
|
Theo lãnh đạo các đơn vị Agribank trên địa bàn tỉnh, với vai trò và trách nhiệm là “nhà tài trợ vốn”, các ngân hàng này đã triển khai thực hiện cho vay tái canh cà phê một cách quyết liệt, với tinh thần “vốn tái canh luôn sẵn sàng”. Thực tế là bên cạnh việc chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn, các đơn vị Agribank trên địa tỉnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy cho vay chương trình này như tăng cường công tác truyền thông, cải cách thủ tục cho vay, tư vấn, hỗ trợ nông dân… nhưng kết quả đạt được vẫn chưa cao, tiến độ giải ngân rất chậm so với lộ trình. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả trên, bởi tái canh cà phê ngoài nguồn vốn đầu tư của ngân hàng, còn là tổng thể các giải pháp như: cây giống, kỹ thuật, công nghệ, quy hoạch và cả sự quyết tâm của nhiều ngành, nhiều cấp. Trong đó hộ sản xuất, doanh nghiệp là động lực chính, quyết định sự thành công của chương trình này. Thế nhưng từ trước tới nay việc thay thế cây cà phê già cỗi, năng suất thấp chỉ thực hiện một cách tự phát, theo hình thức trồng dặm, phá bỏ, trồng mới ở diện tích nhỏ lẻ. Việc thực hiện tái canh cà phê trên diện rộng, quy mô lớn trên địa bàn tỉnh là chưa có tiền lệ nên còn tâm lý đắn đo, cân nhắc đối với người dân và doanh nghiệp.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk Tăng Hải Châu cho rằng, kết quả giải ngân thì đã rõ là chưa được như kỳ vọng, nhưng cái được lớn nhất từ chương trình này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt từ phía ngành Ngân hàng đã góp phần thay đổi cơ bản nhận thức của người dân, doanh nghiệp và các cấp, ngành về sự cấp bách, cần thiết của việc tái canh cà phê. Điều này thể hiện rõ khi chương trình tái canh cà phê đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự mạnh dạn của nông dân trồng cà phê trong việc thực hiện tái canh cây trồng này. Tiếc là do không nhận được sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước trong việc cấp bù lãi suất hoặc tái cấp vốn nên các ngân hàng thương mại không thể đưa lãi suất xuống mức hợp lý hơn. Cùng với đó, ngân sách Nhà nước chưa đầu tư đúng mức trong việc hỗ trợ kinh phí cho các nội dung như: quy hoạch; xây dựng vườn giống, cây giống; hoàn thiện quy trình kỹ thuật; đào tạo cán bộ quản lý…
Giang Nam – Quốc Lương
Ý kiến bạn đọc