Multimedia Đọc Báo in

Chủ động phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai

08:11, 13/06/2018

Những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH), thời tiết bất thường, cực đoan thường xuyên xảy ra ở nhiều nơi, gây thiệt hại nặng nề đến tài sản và đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN), mùa mưa năm 2017 bắt đầu sớm, kết thúc muộn, với tổng lượng mưa trong năm cao hơn so với trung bình nhiều năm là 114,5%. Trong năm đã xảy ra 4 đợt mưa lũ, trong đó đợt mưa, lũ do ảnh hưởng cơn bão số 12 là trận thiên tai điển hình gây thiệt hại nghiêm trọng về sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, làm 1 người chết, 12 người bị thương; 26.544 ha cây trồng các loại bị gãy, đổ; 4.972 con gia cầm, gia súc bị trôi; 28,7 ha ao, 42 lồng bè nuôi cá bị thiệt hại hoàn toàn; trên 38 km đường các loại bị sạt lở, hư hỏng; 89,8 km kênh mương bị sạt, trôi, hư hỏng…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh (thứ tư từ phải sang) chỉ đạo công tác  khắc phục hậu quả sau cơn bão số 12 năm 2017 ở xã Yang Mao (huyện Krông Bông).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh (thứ tư từ phải sang) chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sau cơn bão số 12 năm 2017 ở xã Yang Mao (huyện Krông Bông).

Chưa hết, những cơn mưa lớn trong năm 2017 cũng gây ra 3 vụ sạt lở ở bờ sông Krông Nô (đoạn xã Ea R'bin, huyện Lắk); đường đèo 185 tại xã Ea Trang (huyện M’Đrắk) và bờ sông Krông Kmar tại thôn 4 (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) đến nay vẫn chưa được khắc phục… Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2017 ước tính hơn 1.067 tỷ đồng.  Riêng 5 tháng đầu năm 2018, thiên tai trên địa bàn tỉnh chủ yếu do lốc tố, dông, sét, mưa đá xảy ra vào thời kỳ chuyển mùa (từ mùa khô sang mùa mưa) làm chết 3 người, bị thương 4 người, hư hỏng hơn 1.700 nhà  ở, 10 điểm trường, hơn 3.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng… Ước tính thiệt hại hơn 152 tỷ đồng.

Một số cây xanh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột bị gãy đổ do ảnh hưởng của cơn bão số 12 năm 2017.
Một số cây xanh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột bị gãy đổ do ảnh hưởng của cơn bão số 12 năm 2017.

Trước những diễn biến bất thường của thời tiết cũng như để kịp thời ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã triển khai công tác PCTT & TKCN cấp tỉnh giai đoạn 2017- 2020 được phê duyệt tại Kế hoạch số 421/KH-UBND, ngày 17-1-2018. Theo đó, UBND tỉnh đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp như:  tăng cường lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai trong quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị; yêu cầu kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các cấp và xây dựng phương án để chủ động ứng phó và khắc phục thiên tai, lũ lụt, đảm bảo sẵn sàng chỉ đạo, chỉ huy được chủ động, nhanh chóng, hiệu quả  theo phương châm “4 tại chỗ”.

 
 “Trên cơ sở phân công nhiệm vụ của các thành viên, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh đã yêu cầu các địa phương chủ động phương án “4 tại chỗ”, đặc biệt là trong công tác phòng chống ở các địa phương có nhiều hồ đập. Với những công trình bị hư hỏng phải có phương án giải quyết và thường xuyên có văn bản báo cáo với Ban Chỉ huy PCTT & TKCN để có hướng xử lý kịp thời”.
 
Ông Mai Trọng Dũng, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh

Thực hiện Kế hoạch trên, các cấp, ngành chuyên môn đã thường xuyên kiểm tra các công trình thủy lợi ngay trước mùa mưa, lũ; chuẩn bị đủ nguồn lực, nhu yếu phẩm dự phòng phù hợp thực tế điều kiện thiên tai các vùng trong tỉnh, chú trọng vùng có nguy cơ bị cô lập khi xảy ra lũ lụt, sạt lở; tổ chức tốt công tác trực ban phòng chống thiên tai theo quy định; tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện công tác phòng chống thiên tai tại các địa phương trọng điểm và công tác đảm bảo an toàn công trình phòng chống thiên tai, chú trọng các công trình bị hư hỏng nặng có nguy cơ cao mất an toàn khi có mưa lũ lớn…

Ông Mai Trọng Dũng, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh cho biết, từ tháng 1-2018, nước ta đã chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 1 và mới đây là cơn bão số 2; riêng trong giai đoạn chuyển từ mùa khô sang mùa mưa, trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra các hiện tượng khí hậu bất thường như dông, lốc… với cường độ mạnh, gây hậu quả nghiêm trọng. Qua đó có thể thấy, tình hình biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường trước, nên bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương, thì người dân cần thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết trên các phương tiện truyền thông để kịp thời có các biện pháp ứng phó. Ở các vùng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng thiên tai người dân, chính quyền địa phương cần thường xuyên kiểm tra, tu sửa nhà cửa, bảo vệ tốt các công trình công cộng nhằm hạn chế tối đa thiệt hại. Khi trời mưa lớn kèm theo dông, sét, lốc xoáy cần sơ tán người già và trẻ nhỏ tìm nơi trú ẩn an toàn, tránh tiếp xúc với những vật dụng bằng kim loại, đồng thời ngắt các thiết bị điện trong nhà…

Nguyễn Gia

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.