Định hình vị thế cho hồ tiêu (Kỳ 1)
Phát triển “nóng” bằng mọi giá đã và đang đẩy ngành hồ tiêu rơi vào cơn “bĩ cực” khi chịu sức ép từ nhiều phía, còn nông dân trồng hồ tiêu lao đao trong điệp khúc trồng - bỏ. Tuy nhiên, xét một cách toàn diện thì hồ tiêu vẫn là cây trồng thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Đắk Lắk và còn có thể nâng cao giá trị gia tăng, cần được chú trọng đầu tư để phát triển bền vững.
Kỳ 1: Lao đao vì dịch bệnh tấn công
Năm 2018 là năm thứ 3 của đợt giảm giá sâu kéo dài của hồ tiêu. Tuy nhiên điều nông dân lo lắng không chỉ là vấn đề giá cả mà còn là tình trạng dịch bệnh dai dẳng kéo dài qua nhiều năm, khiến những vườn tiêu xanh tốt dần vàng úa, lụi tàn trong sự tiếc nuối, lo lắng của bà con.
Vườn tiêu chết hàng loạt của gia đình ông Nguyễn Quang Thuận (xã Ea H’leo, huyện Ea H'leo). |
Vốn là cây trồng mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân Krông Năng nên những năm 2013-2014 hồ tiêu được xem là “vàng đen” khi lợi nhuận vượt trội hẳn so với các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, khoảng vài năm nay thời tiết biến đổi bất thường khiến dịch bệnh trên cây hồ tiêu bùng phát và lây lan trên diện rộng, đẩy nhiều gia đình vào tình cảnh khó khăn. Anh Lê Văn Năm, thôn Lộc Hà, xã Phú Lộc đang đứng ngồi không yên khi chứng kiến những gốc hồ tiêu sắp thu hoạch trong vườn nhà lũ lượt chết dần. Những trụ tiêu chết khô xen lẫn với những trụ đang chuyển dần sang màu vàng úa, chỉ cần va chạm nhẹ là từng lá tiêu, đốt tiêu rơi rụng xuống gốc. Tương tự, khu vườn rộng 1,2 ha của Trưởng thôn Lộc Hà Võ Đức Lượng đang hứng chịu nguy cơ mất trắng nguồn thu từ tiêu vì gần như toàn bộ số tiêu xen canh cà phê đã bị chết. Ông Lượng cho hay, từ năm 2015 nhiều trụ tiêu bắt đầu rụng lá và chỉ trong vài tuần thì chết. Đầu năm đến nay mưa nhiều, đặc biệt là những cơn mưa xảy ra liên tục vào các buổi chiều, chiều tối khiến lượng nước ứ đọng quanh gốc qua đêm, ngày hôm sau chưa kịp thoát hết đã phải tiếp nhận lượng nước mới, cùng với đó là nhiệt độ cao do nắng nóng buổi sáng đã tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan nhanh hơn, khiến vài chục trụ tiêu còn sót lại cũng đang chết dần. Theo ông Lượng, gần như hồ tiêu của bà con nông dân trong thôn đều đang đứng trước nguy cơ chết đứng vì dịch hại này.
Năm 2010 cả nước có hơn 51.500 ha hồ tiêu, năm 2014 là 85.590 ha, cuối năm 2017 là 152.668 ha (tăng 196,3% so với năm 2010) vượt quy hoạch trên 100.000 ha. |
Mỗi khi người nông dân trồng cây gì trên mảnh vườn của gia đình đều phải đầu tư rất lớn về đất đai, công sức, giống, phân bón, thuốc trừ sâu bệnh ngay từ thời kỳ kiến thiết cơ bản. Riêng với cây hồ tiêu, chi phí đầu tư ban đầu còn cao hơn do phải đầu tư thêm trụ. Do đó, khi dịch bệnh xảy ra trên diện rộng với tốc độ lây lan nhanh, nhiều gia đình đã lâm vào tình cảnh “trở tay không kịp”. Ông Nguyễn Quang Thuận (thôn 2B, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo) buồn bã cho hay, đầu năm 2016 vườn tiêu 1.600 trụ đang xanh tốt, sai trái đã đem đến hy vọng về một vụ tiêu thắng lợi. Thế nhưng, cuối năm 2016, bỗng dưng 1/4 diện tích hồ tiêu trên vườn bị vàng lá, dây tiêu héo dần, sau đó rụng đốt từ trên ngọn xuống gốc rồi chết. Khoảng thời gian từ phát hiện bệnh đến chết chỉ vài tuần, quá ngắn để phòng trị nó. Ông đã mua nhiều loại thuốc khác nhau để thử nghiệm trên từng vùng, nhằm tìm ra loại thuốc đặc trị bệnh hiệu quả, nhưng bệnh chỉ có dấu hiệu tạm ngưng sau khi được phun thuốc một thời gian, sau đó tiêu vẫn tiếp tục chết. Hiện tại trên vườn chỉ còn vài trụ, mặc dù rất tiếc nuối vườn hồ tiêu, ông vẫn phải dự định nhổ trụ, cải tạo đất để chuyển hướng sang trồng cây khác.
Nhiều vườn tiêu bị nấm làm thối rễ gây rụng lá ồ ạt và chết rất nhanh ở (xã Ea H’leo, huyện Ea H'leo). |
Ông Bùi Công Lăng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea H’leo cho biết, toàn huyện hiện có 7.300 ha tiêu, tập trung chủ yếu tại các xã Ea H’leo, Ea Hiao, Ea Khăl, Ea Wy… Hiện tượng tiêu chết bắt đầu xuất hiện từ năm 2013, nhưng tình trạng tiêu chết hàng loạt, lây lan nhanh trên diện rộng xảy ra phổ biến từ giữa năm 2017 đến nay. Nguyên nhân tiêu chết được nhận định là do già cỗi, thời tiết biến động, nhiễm nấm bệnh; lựa chọn giống và trồng trọt, chăm sóc không bảo đảm.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, toàn tỉnh hiện có khoảng 38.620 ha hồ tiêu, tăng 11.028 ha so với năm 2016. Trong vụ đông xuân 2017-2018, toàn tỉnh có hơn 700 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh, trong đó bệnh vàng lá chết nhanh hơn 164 ha, vàng lá chết chậm hơn 433 ha, tuyến trùng nặng gần 50 ha… Diện tích tiêu nhiễm bệnh tập trung chủ yếu ở các huyện Ea Kar, Krông Năng, Ea H’leo.
(Còn nữa)
Thanh Băng Thùy
Ý kiến bạn đọc