Định hình vị thế cho hồ tiêu (Kỳ cuối)
[links(left)]
Kỳ cuối: Lối thoát nào cho hồ tiêu?
Chất lượng, vị thế của hồ tiêu Việt Nam đã được khẳng định trong lịch sử phát triển ngành hàng hàng chục năm qua. Tuy nhiên bối cảnh hội nhập hiện nay đã xuất hiện những rào cản làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, dẫn tới đe dọa vị thế của cây hồ tiêu.
Theo thông tin từ các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu, thị trường tiêu thụ hồ tiêu Việt Nam đang ngày càng hẹp lại vì các vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm. Đây là mặt hàng gia vị được nêm nếm trực tiếp khi chế biến thực phẩm nên đòi hỏi rất cao về chất lượng và an toàn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ cần một thị trường phát hiện một lô hàng không bảo đảm chất lượng thì các đối tác khác cũng thận trọng hơn, khiến việc xuất khẩu cũng trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó khoảng 90% sản lượng hồ tiêu Việt Nam hiện nay được tiêu thụ thông qua con đường xuất khẩu.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lộc (Krông Năng) Trần Tin (bên trái) kiểm tra tình hình tiêu chết trên địa bàn. |
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), tác động của biến đổi khí hậu khiến thời tiết thay đổi bất thường, tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát và gây hại trên các loại cây trồng. Riêng với cây hồ tiêu, do đặc tính mẫn cảm cao với thời tiết và sâu bệnh, trồng trên đất không thích hợp, giống chưa bảo đảm, chăm sóc chưa đúng kỹ thuật… làm cho dịch bệnh càng có cơ hội tấn công nhiều hơn. Ông Phạm Công Trí, chuyên gia về thực hành sản xuất tốt hồ tiêu cho hay, trong bối cảnh hiện nay, việc sản xuất hồ tiêu phải bảo đảm các yếu tố giá thành hạ, an toàn tăng (an toàn sản xuất và chất lượng). Tình hình nghe có vẻ như đang “bế tắc”, nhưng thực tế chỉ cần sản xuất hồ tiêu thuận lẽ tự nhiên, con đường sẽ tự rộng mở. Ông Trí chia sẻ, thiên nhiên luôn có sự tự điều chỉnh và tự cân bằng, nó đã sản sinh ra dịch bệnh nguy hiểm trên cây trồng thì nó cũng sẽ tạo ra sự khắc chế tương ứng bởi các loại thiên địch hay sinh vật đối kháng. Điển hình như, khi đất trồng có vấn đề thì việc trồng hoa cúc vạn thọ, lạc dại… trên vườn sẽ tạo thảm thực vật che phủ mặt đất, hạn chế sự thoát hơi nước mùa khô, giảm xói mòn đất mùa mưa, cải thiện độ phì đất, tăng an toàn sinh học. Đồng thời, việc nhổ bỏ các loại cây ký chủ dịch bệnh chết nhanh chết chậm như khoai môn, khoai lang, nghệ, cà, ớt… thì nguồn bệnh sẽ giảm; việc phun các chế phẩm vi sinh như Tricho Gold, Tricho Nema, Tricho Meta… cũng giúp kiểm soát dịch bệnh chết nhanh chết chậm tốt hơn.
Trồng dương vừa phải trên đất phù hợp với hệ thống thoát nước theo dòng chảy từ trên xuống, chăm sóc đúng kỹ thuật, tận dụng và phát huy tối đa các thiên địch có sẵn trong tự nhiên, bổ sung các vi sinh đối kháng và hữu ích là giải pháp hiệu quả, tiết kiệm nhất, đồng thời đem đến sản phẩm hồ tiêu có chất lượng tốt nhất có thể".
Ông Phạm Công Trí cho biết
|
Bên cạnh khâu sản xuất, vấn đề thu hoạch, bảo quản cũng quan trọng không kém, bởi các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong hồ tiêu không hẳn chỉ được tích tụ trong quá trình sản xuất mà việc bảo quản không đúng kỹ thuật cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Điển hình như hoạt chất Carbendazim (bị phát hiện có trong hồ tiêu những năm 2014-2015) có hiệu quả trong việc diệt nấm, rỉ sắt… nhưng thời gian phân hủy rất dài, việc lạm dụng nó sẽ dẫn đến tồn dư hóa chất cấm nghiêm trọng. Thực trạng tồn dư nói trên có thể do bà con nông dân sử dụng thuốc không đúng bệnh, cũng có thể do các nhà thu mua đã sử dụng các loại thuốc diệt nấm này trong quá trình bảo quản nông sản tại các kho, bãi tập kết trước khi nhập trực tiếp cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Hiện tại, ngành Nông nghiệp đang rà soát lại toàn bộ diện tích hồ tiêu và khuyến nghị người dân không trồng mới, tạm ngừng trồng tái canh diện tích già cỗi, nhiễm bệnh nặng; tích cực lựa chọn cây trồng phù hợp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế một phần diện tích hồ tiêu trồng thuần bằng hình thức trồng xen canh với cà phê, cây ăn quả lâu năm… Đồng thời, các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, nông dân đang đẩy mạnh liên kết xây dựng các mô hình sản xuất hồ tiêu bền vững theo tiêu chuẩn RA, FLO, VietGAP như mô hình liên kết của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, HTX Nông nghiệp dịch vụ Thăng Tiến… để tạo ra hồ tiêu sản xuất theo cam kết, cung ứng ổn định cho các thị trường khó tính là những hoạt động thiết thực góp phần phát triển bền vững ngành hàng hồ tiêu.
Nông dân xã Ea Wy, huyện Ea H'leo chăm sóc vườn tiêu của gia đình. |
Một nông sản chỉ được nâng tầm giá trị khi các tác nhân trong chuỗi làm tròn trách nhiệm theo tiêu chuẩn cam kết với công đoạn mình thực hiện. Cụ thể với ngành hồ tiêu là nông dân tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, bền vững; nhà quản lý, nhà khoa học đồng hành cùng nông dân trong công tác phòng chống dịch bệnh và nâng cao chất lượng sản phẩm; nhà thu mua có tâm không sử dụng thuốc hóa học trong quá trình bảo quản mà chú trọng việc xây dựng kho bãi để bảo quản, đẩy mạnh chế biến nhằm tạo nên giá trị thặng dư cho nông sản.
Thanh Băng Thùy
Ý kiến bạn đọc