Rừng đặc dụng Nam Ka giữa nhiều áp lực
Thời gian qua, rừng đặc dụng Nam Ka phải chịu nhiều áp lực tác động nên phần nào suy giảm giá trị và gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Địa hình Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka có sự chuyển tiếp từ núi cao đến đồi gò, đồng cỏ, đầm hồ, sông suối tạo nên một vùng sinh thái đặc sắc nên có đủ các kiểu thảm thực vật, là môi trường sống lý tưởng của nhiều loài động vật rừng. Ở đây có các kiểu rừng chủ yếu là rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, rừng kín lá rộng nửa rụng lá nhiệt đới, rừng thứ sinh tre, nứa... Hệ sinh vật rừng Nam Ka có 586 loài thực vật bậc cao, 140 loài chim, 56 loài thú, 50 loài lưỡng cư, bò sát và nhiều loài cá nước ngọt, đặc biệt còn có một số loài thú quý hiếm như cầy giông, gà lôi, gà tiền, cu li nhỏ... Bên cạnh đó, rừng có hệ thống nước mặt rất phong phú với sông Krông Nô bao bọc ở phía tây và nam, hàng chục con suối và 3 hồ tự nhiên lớn, gồm: Hồ Ea Boune (rộng hơn 79 ha), Hồ Ea Tyr (132 ha) và Hồ Ea R'bin (235 ha). Rừng Nam Ka giữ vai trò bảo vệ các hệ sinh thái rừng, bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã, đặc biệt là các loài đặc hữu; bảo vệ rừng đầu nguồn các con suối, điều hòa và cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp.
Rừng tiểu khu 1023 (rừng đặc dụng Nam Ka), xã Bình Hòa, huyện Krông Ana bị lấn chiếm làm nương rẫy. Ảnh: P. Cường |
Với hệ sinh thái phong phú, đặc trưng, rừng đặc dụng Nam Ka cần được bảo vệ nghiêm ngặt, hạn chế bị tác động. Tuy nhiên, khu vực này có công trình thủy điện Buôn Tua Srah, công suất lắp máy 86 MW, dung tích hữu ích của hồ chứa khoảng 430 triệu m3 đi vào hoạt động từ năm 2011. Ông Nguyễn Văn Nhật, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Ka cho biết, hoạt động của nhà máy thủy điện này đã ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của rừng, thay đổi dòng chảy sông, suối và khả năng điều hòa nguồn nước khiến một số loài động, thực vật biến mất hoặc bị suy giảm về số lượng. Đặc biệt, nguồn lợi thủy sản suy giảm khá nhiều trong những năm gần đây, một số loại cá không còn xuất hiện trên thủy vực. Bên cạnh thủy điện Buôn Tua Srah, một công trình khác cũng đang được xây dựng gần rừng Nam Ka là thủy điện Chư Pông Krông. Điều đáng nói là diện tích 5,41 ha để xây dựng thủy điện trước đây là đất rừng đặc dụng, ngày 14-9-2017, UBND tỉnh điều chỉnh giảm diện tích này thuộc khoảnh 9, tiểu khu 1306 khỏi quy hoạch rừng đặc dụng và giao cho UBND huyện Lắk quản lý, sau đó cho một doanh nghiệp thuê trong thời gian 50 năm để làm dự án thủy điện, công suất 7,5 MW. Đơn vị quản lý rừng đặc dụng Nam Ka đang lo ngại sau khi đi vào hoạt động, thủy điện này cũng sẽ ít nhiều tác động đến sinh cảnh, dòng chảy, hệ sinh thái rừng.
Thời gian qua, Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Ka đã chỉ đạo quyết liệt xử lý các điểm lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái phép. Trong năm 2017, bên cạnh phát hiện, tịch thu lâm sản, tang vật và xử phạt hành chính các trường hợp vi phạm lâm luật, đơn vị đã chuyển hồ sơ cho Công an huyện Lắk khởi tố đối tượng Y Pứ Brung trú tại buôn Lách Ló, xã Nam Ka về tội “Hủy hoại rừng”, sau đó đối tượng này bị Tòa án nhân dân tỉnh tuyên án 4 năm tù. Mới đây, hơn 10 ha rừng Nam Ka tại tiểu khu 1023 bị phá để làm nương rẫy mà nguyên nhân được xác định là do Trạm kiểm lâm số 8 thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, không ngăn chặn xử lý kịp thời các vụ phá rừng. Do đó, đơn vị chủ rừng đã kỷ luật 4 cán bộ, nhân viên kiểm lâm của trạm này từ mức cách chức đến cảnh cáo, khiển trách. Bên cạnh đó, Ban quản lý cũng tổ chức họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh công tác lãnh đạo, quản lý; tăng cường tuyên truyền công tác quản lý bảo vệ rừng, tổ chức chốt chặn những đường mòn vào rừng, kiểm soát chặt chẽ các đối tượng ra vào rừng; ngăn chặn việc đưa các phương tiện cơ giới vào rừng và xử lý nghiêm các vụ xâm hại về rừng.
Khu dân cư buôn Lách Ló nằm sâu trong rừng đặc dụng Nam Ka đã trực tiếp gây ảnh hưởng đến rừng. |
Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng Nam Ka đang là nhiệm vụ nan giải của chủ rừng. Cụ thể, rừng Nam Ka có tổng diện tích 20.394 ha (17.395 ha đất có rừng) nằm trên địa bàn 6 xã thuộc 2 huyện Lắk và Krông Ana, trải dài trên địa bàn rộng, nhiều khu vực có địa hình phức tạp, trong khi lực lượng giữ rừng mỏng, nên công tác tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Nhật, trong và xung quanh rừng có 20.000 hộ dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các xã Nam Ka, Ea R’bin, Đắc Nuê, Buôn Triết, Buôn Tría (huyện Lắk) và Bình Hòa (huyện Krông Ana) sinh sống đã nhiều năm. Điều này gây áp lực rất lớn đến rừng, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác diễn ra phổ biến. Bên cạnh đó, vì sinh kế, người dân thường xuyên vào rừng lấy củi, hái măng, hay chặt cây dựng nhà cũng ảnh hưởng đến rừng Nam Ka. Chưa kể, tập quán canh tác du canh và việc phát dọn đất canh tác vào mùa khô cũng làm tăng nguy cơ cháy rừng.
Dương Xuân
Ý kiến bạn đọc